Chứng kiến Lễ trao giải cuộc thi Độc tấu nhạc cụ dân tộc lần II ngày hôm qua, 21/12, người ta vui mừng thấy nền âm nhạc truyền thống của Việt Nam đã tiến được một bước khá xa so với cách đây 5 năm. Nhưng từ đây lại xới lại những vấn đề dù cũ nhưng không kém phần cấp bách.
Giải thưởng: đàn nhị lên ngôi
Đàn nhị giành Giải nhất toàn bảng A (không chia theo bộ môn) và giải nhất bộ môn ở bảng B. Điều đáng nói ở đây là hai thí sinh đó có số điểm cao nhất trong số những người được nhất: Nguyễn Thành Nhân, nhất bảng A, đạt 19,63 điểm, và Lê Quang Dũng, bảng B, 19,65 điểm (trong khi đó nhất bộ môn sáo trúc bảng B chỉ 19,00 điểm và đàn tranh 19,57 điểm).
Vui mừng nhất lần này có lẽ phải kể đến Nhạc sĩ Thao Giang, Ủy viên tiểu ban đàn Nhị và là người đã tận tụy với nghiệp đàn Nhị bao nhiêu năm nay. Ông tâm sự: "Trước đây 5 năm, nhìn Trung Quốc họ chơi mà "dân Nhị" của Việt Nam mình ... run! Có thể nói là "cay cú" bao nhiêu năm, nay, nói như Cục trưởng Cục NTBD, chúng ta đã có thể ngẩng cao đầu nhìn thẳng vào Trung Quốc".
Số thí sinh tham dự bộ môn đàn Nhị lần này chỉ bằng 1/4 số thí sinh đàn tranh và đàn bầu. Số học sinh dám dấn thân vào bộ môn này không nhiều, mặc dù trong thực tế, một dàn nhạc có thể nhận vào tới 10 đàn nhị nhưng không thể lấy hơn 1 đàn bầu. Nhạc sĩ Thao Giang giải thích tình trạng này: "Nhị giống như violon nhưng chơi có phần khó hơn. Đó là một loại đàn dây không phím, khoảng cách giữa dây và cần lớn, không có điểm tì như violon,... Luyến láy, nhấn nhá của nhị gần với âm điệu tiếng hát dân ca, đấy là những cái mà violon và piano không làm được. Ngón bấm cần tinh tế và chuẩn xác, âm thanh phải trong vắt, chệnh đi một cái là thành ra "kọ kẹ kọ kẹ" nghe rất buồn cười".
Với thành công này, có thể khẳng định đàn nhị có thể bước đầu đi vào cuộc sống đương đại, "ngồi"cùng Pop, rock, hay hòa tấu cùng các nhạc cụ dân tộc khác.
Cần có đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp
Theo dõi cuộc thi ta dễ dàng nhận thấy các sáng tác quen thuộc được lặp đi lặp lại đến nỗi ban giám khảo phải nhức đầu, phát chán. Quanh đi quẩn lại chỉ thấy: Kể chuyện ngày mùa, bài kinh điển của Nhị; Lý hoài nam, kinh điển của Sáo; Vì miền Nam, kinh điển của đàn bầu; Hương sen Đồng Tháp, kinh điển của đàn tranh... Tình trạng "đổ xô", trùng lặp đó một phần vì tâm lý các thí sinh muốn chọn những bài phổ cập, dễ thể hiện; nhưng một phần lớn nữa là do sự nghèo nàn của lượng bài sáng tác.
NSND Trần Quý, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo bức bối: "Phần lớn thí sinh phải dùng những bài cũ đã sáng tác từ 15 đến 40 năm trước. Hàng chục thí sinh độc tấu trùng một bài chỉ vì bài đó có đủ những nhân tố để thể hiện tính năng kỹ thuật của nhạc khí".
Nhìn chung sáng tác cho nhạc cụ dân tộc ngày nay đi vào lối mòn và thiếu tính chuyên nghiệp. Chẳng hạn, riêng sáng tác cho đàn Nhị, một loại đàn tính năng rất khó, nhiều nhạc sĩ còn thậm chí chưa nắm rõ tính năng của nó. Thế là rơi vào tình trạng như "vẽ ma", người sáng tác hoàn toàn theo cảm hứng. Viết cho Nhị mà cứ như viết cho violon. Ta có thể tiếp thu, nhưng violon không thể thay thế cho nhị được. Nếu viết ra một bài mà bài ấy dùng cho violon cũng được, cho nhị cũng được, thì ta thất bại rồi! Rõ ràng hiện nay, để sáng tác được thì tối thiểu, người sáng tác phải đi học tính năng của các nhạc cụ.
Nhiều thí sinh, như Hồng Giót, Thế Dân (Nhạc viện HN) của cuộc thi lần I thậm chí phải tự sáng tác lấy bài để biểu diễn, có người tự bỏ tiền túi đi đặt bài. Theo NSƯT Huỳnh Tú, Đoàn trưởng Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, một người có nhiều sáng tác cho nhạc cụ dân tộc, sáng tác cho nhạc cụ truyền thống nhưng cũng cần đưa tính thời đại vào. Nên chăng hoặc thường xuyên, hoặc trước khi tổ chức cuộc thi 1, 2 năm chúng ta nên đầu tư, phát động sáng tác những tác phẩm độc tấu có những đặc tính kỹ thuật chuẩn mực cho từng loại nhạc cụ để dùng trong các giáo trình giảng dạy và dùng làm những bài bắt buộc phải có trong chương trình thi, như vậy mới phân định chính xác được tài năng cao thấp của từng thí sinh.
Cần có đội ngũ biên soạn giáo trình
Nhạc sĩ Thao Giang kiến nghị nên có sự kết hợp, nâng hứng giữa các nhạc viện với Viện nghiên cứu Âm nhạc. Tình hình hiện nay có thể hình dung đại khái là Viện Âm nhạc, mà công vịêc là nghiên cứu sưu tầm, cứ nghiên cứu sưu tầm, hệ thống hóa, rồi ...lưu kho, còn các trường nhạc thì thiếu giáo trình vẫn cứ tiếp tục thiếu giáo trình. Các giáo viên trường nhạc phải "è cổ" ra gánh trên vai mình đến vài thứ trách nhiệm: nào dạy, nào soạn giáo án, lại soạn cả giáo trình, rồi lại nhân thể sáng tác, biểu diễn luôn! Vì nếu họ không làm thì không biết ai làm cho! Trong khi đó không có sự chuyển giao những thành quả của Viện Âm nhạc cho bên dạy nhạc để biến những kiến thức đó thành sống động.
Hậu giải thưởng hay cuộc mưu sinh chật vật của các học sinh nhạc cụ truyền thống
Theo nhận định có phần lạc quan của một số vị đầu ngành trong lĩnh vực nhạc cụ truyền thống thì chỉ 20 % số học sinh Nhạc viện ra trường tiếp tục theo nghề, còn lại đành ngậm ngùi dứt áo sau 16 năm dày công khổ luyện. Nhạc sĩ Thao Giang một lần nữa lại chua chát: "Vào học từ năm 7 tuổi, khi ra trường đã hai mươi mấy, gần một phần ba cuộc đời ở trong Nhạc viện! Đã theo được ngần ấy năm, chả phải nhân tài kiệt xuất gì thì cũng phải có năng lực ở một mức độ nào đó. Thế nhưng ra trường, nếu có biên chế thì được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Còn thường thì về các đoàn sâu khấu dân tộc, đoàn ca múa nhạc, dàn nhạc, các nhà văn hóa, đài phát thanh, sở Văn hóa, bấy giờ nhìn cái lương cơ bản 270 ngàn đồng một tháng mà những người tâm huyết nhất cũng phát hoảng!".
Nên chăng Nhà nước có một chế độ đãi ngộ đặc biệt với những thí sinh đã đoạt giải trong lần này, để họ không đến nỗi bị lãng quên như sau lần thi I. Trong số các gương mặt sáng giá của lần I, có lẽ chỉ có Lê Minh (giải nhì về Nhị) là có một triển vọng tương đối trong sự nghiệp: được giữ lại trường làm giảng viên.
| |||
Việt Báo (Theo_VietNamNet)
|
Popular Posts
-
Hay còn gọi là đàn Kìm, được sử dụng rộng rãi trong dòng nhạc dân gian cũng như cung đình bác học cổ truyền của người Việt. Xuất hiện tr...
-
Mùa “ăn năm uống tháng” trên Tây Nguyên bắt đầu khi ma rừng dứt hẳn. Bạt ngàn những vạt hoa dã quỳ vàng rực rung rinh, nhảy nhót trong vũ ...
-
Là nhạc khí dây, chi gõ của dân tộc Việt. Đàn có 36 dây nên được gọi là Tam Thập Lục. Đàn Tam thập lục hình thang cân, mặt đàn hơi phồng lê...
-
Đây là một trong những cây đàn dài nhất do người Việt nam chế tác vào thời Lê (thế kỷ XV-XVIII). Ngày xưa nó còn có tên Vô để cầm(đàn kh...
-
Đã có mặt trong nền âm nhạc truyền thống Việt Nam từ lâu đời, đã trở nên thân quen và gần gũi với mọi người dân Việt Nam, nó được trân t...
-
Thanh la là nhạc khí tự thân vang gõ của Dân tộc Việt, (theo GSTS. Trần Văn Khê : Thanh la được sử dụng trong đạo Phật ở miền Trung gọi là ...
-
(TT&VH) - “3 giờ sáng mới đi ngủ, vì vui quá”, Lê Cát Trọng Lý thổ lộ sau đêm trao giải Bài hát Việt 2008 (18/1). Với ca khúc Chênh ...
-
Mùa “ăn năm uống tháng” trên Tây Nguyên bắt đầu khi ma rừng dứt hẳn. Bạt ngàn những vạt hoa dã quỳ vàng rực rung rinh, nhảy nhót trong vũ ...
-
Sự thiên di của văn hóa nghệ thuật từ cội nguồn miền Bắc gắn với lịch sử Nam tiến của dân tộc. Nam bộ, xét theo mối tương quan v...
-
Mang ý nghĩa "âm nhạc tao nhã", Nhã nhạc đề cập đến âm nhạc cung đình Việt Nam được trình diễn tại các lễ thường niên, bao gồm ...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét