Vạt cỏ lạ trong vườn ca nhạc Việt

Vat co la trong vuon ca nhac Viet
Nhóm Cỏ lạ
Trong vòng 10 ngày (từ 26/5 - 4/6/2006), khán giả TP.HCM và các tỉnh lân cận đã chứng kiến 5 màn trình diễn ấn tượng của nhóm Cỏ Lạ (gồm 6 cô gái đến từ Hà Nội), được truyền hình trực tiếp trên các kênh của HTV hoặc BTV. Xuất hiện với tần suất hai ngày một show, các cô mệt nhoài nhưng lại cảm thấy rất vui khi được khán giả phía Nam đón chào nồng nhiệt...
Họ ra mắt khán giả Sài Gòn bằng sự xuất hiện liên tục ở các chương trình ca nhạc lớn. 6 cô gái, mỗi người sử dụng một nhạc cụ dân tộc vừa hát, vừa đàn kết hợp với các động tác vũ đạo nhuần nhuyễn, điêu luyện. Điều đáng nói là họ chơi nhạc cụ dân tộc để đệm cho những ca khúc hiện đại mang phong cách nhạc nhẹ. Đêm đầu tiên là ở Trung tâm ca nhạc Lan Anh (26/5/2006), trong chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện Chung một tấm lòng, họ đã làm khán giả bất ngờ và thích thú trong ca khúc Bà tôi (Nguyễn Vĩnh Tiến). Những đêm tiếp sau họ tiếp tục "gây sốc" khi kết hợp cùng với nhóm 5 Dòng Kẻ trong các ca khúc Sắc màu của Trần Tiến (chương trình Giai điệu tình thương 7, CLB Lan Anh đêm 27/5/2006) và Giọt mưa của Minh Châu (chương trình Nhịp cầu âm nhạc, Nhà hát Bến Thành đêm 29/5/2006). Cỏ Lạ còn xuất hiện trong chương trình Giao lưu văn hóa Việt - Nhật tại Nhà văn hóa Thanh niên với tiết mục hòa tấu trống Âm vang mùa xuân (do Trưởng nhóm Kiều Anh sáng tác - BTV phát sóng) rồi lại lục tục kéo nhau vào phim trường của HTV để ghi hình các tiết mục ca múa nhạc Lý kéo chài (dân ca Nam Bộ) và Đất nước lời ru (Văn Thành Nho)...
Với khán giả trong Nam thì Cỏ Lạ còn "mới toanh". Trong khi giới yêu âm nhạc đất Bắc ít nhiều đã biết đến nhóm này cách đây những 10 năm, lúc nhóm còn mang tên Hương Cau. Năm 1995, cô giáo của họ là NSƯT Hòa Bình (Trưởng khoa Nhạc cụ dân tộc, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Hà Nội) đã chọn ra những sinh viên xuất sắc nhất để thành lập một nhóm nhạc dân tộc toàn nữ, đó là: Kiều Anh (đàn tranh, bộ gõ), Thanh Hải (đàn bầu, tứ), Thanh Hương (sáo, hát chính), Hồng Ánh (tam thập lục, solist múa), Ánh Hồng (đàn bầu, hát - không vào Nam cùng nhóm trong chuyến lưu diễn này), Thùy Anh (đàn nhị) và Kim Thu (tỳ bà, tứ)... Dạo đó, Hương Cau chuyên biểu diễn theo phong cách dân tộc truyền thống, chủ yếu phục vụ công tác đối ngoại. Trong thời gian này, một số thành viên của nhóm chuyển qua Nhạc viện Hà Nội để học đại học, tốt nghiệp xong lại quay về. Trong quá trình "tác nghiệp", nhóm nhận thấy có một nghịch lý đang tồn tại: người Việt Nam mình sao lại quá thờ ơ, xa lạ với nhạc cụ, nhạc khí dân tộc - đặc biệt là trong giới trẻ. Niềm trăn trở cứ day dứt trong mỗi thành viên của nhóm: phải làm sao để nhạc cụ dân tộc trở nên gần gũi hơn, được giới trẻ yêu thích hơn, thậm chí những người có tuổi cũng thấy được sự độc đáo, đa năng của nhạc cụ dân tộc... Thế là họ quyết định đổi mới phong cách biểu diễn, vẫn sử dụng nhạc cụ dân tộc nhưng sẽ hát nhạc nhẹ kết hợp với vũ đạo. Và từ cuối năm 2005, nhóm Hương Cau khoác cái tên mới là Cỏ Lạ. Để sinh động hơn, nhóm đã mời các nhạc sĩ phối âm, phối khí như: NSƯT Quang Vinh, NSƯT Ngọc Khôi, Phan Cường (phía Bắc), Võ Thiện Thanh (phía Nam) "dựng" cho họ được khoảng 20 tác phẩm mang phong cách rất hiện đại mà trong mỗi tác phẩm đều có "đất dụng võ" cho mỗi loại nhạc cụ được phô diễn hết tính năng độc đáo của nó. Nhóm còn có thể chơi các ca khúc quốc tế (như Vũ khúc Tây Ban Nha, Zacdart...) bằng nhạc cụ dân tộc. Những tiết mục được chăm chút và rất độc đáo của Cỏ Lạ đã chiếm được cảm tình của khán giả - nhất là giới trẻ trong nước cũng như du khách quốc tế.
"Hành phương Nam" chỉ được hơn một tuần với lịch diễn ken dày, Cỏ Lạ lại phải hấp tấp trở về Hà Nội để lo cho học trò đang chuẩn bị thi học kỳ và thi tốt nghiệp. "6 loài cỏ lạ" chia tay Sài Gòn với lời nhắn nhủ: "Về Bắc, chúng tôi sẽ tập luyện để xây dựng các tiết mục mới, cố gắng không lặp lại chính mình ở mỗi chương trình. Hy vọng được cộng tác với các nhạc sĩ phía Nam nhiều hơn. Riêng đối với khán giả phía Nam thì Cỏ Lạ hứa sẽ tái ngộ một cách ấn tượng hơn!".

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

More

Whats Hot