Ông Trần Thảo, giảng viên Học viện Âm nhạc Huế cho biết: Trong dịp Festival Huế 2008, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Hervé Bolot đã trực tiếp trao tước hiệu Hiệp sĩ Văn hoá và Nghệ thuật Pháp cho Nghệ sĩ ưu tú - Nghệ nhân dân gian Trần Kích.
Di sản sống
NSƯT - Nghệ nhân dân gian Trần Kích |
Những ngày này, ngôi nhà 34/4 kiệt 320 phố Bạch Đằng, thành phố Huế luôn đông khách bởi nhiều người yêu Nhã nhạc cung đình Huế tới chúc mừng lão nghệ nhân Trần Kích.
Nghệ nhân Trần Kích sinh ngày 15/8/1921 tại xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Ông đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nhã nhạc Phú Xuân.
Nghệ nhân vốn sinh trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha ông là nghệ sĩ chuyên biểu diễn Nhã nhạc, rất kỳ tài với những điệu kèn và những ngón đàn tuyệt kỹ. Từ nhỏ ông đã được cha truyền dạy cho tình yêu Nhã nhạc và các ngón nghề gia truyền.
16 tuổi ông dám từ bỏ nhiều thú vui tuổi trẻ dành thời gian xem biểu diễn Nhã nhạc. Niềm đam mê, ham học hỏi đã giúp ông sớm đứng trong đội Nhã nhạc cung đình thời vua Bảo Đại, tha hồ tập luyện bài bản với các bậc đàn anh. 17 tuổi ông đã cùng cha dạy đàn, kèn riêng cho con em các nhà trâm anh, thế phiệt.
Hơn 70 năm tuổi nghề, ông đã nghiên cứu cách ký âm hoàn chỉnh, góp phần ghi lại được 30 bài bản về Đại nhạc và Tiểu nhạc. Những cây đàn nhị, nguyệt, bầu, sáo, kèn,.. khi đã vào tay ông biểu diễn như được nâng thêm tầm cao âm thanh mới trong nghệ thuật. Những ngón nhấn, vuốt, vê, rung... tài hoa của ông độc đáo, luyến láy tinh vi, điệu nghệ, cung bậc uyển chuyển, nồng thắm… tạo nên sự trang trọng, gần gũi, âm hưởng mượt mà sâu lắng lòng người.
Với giới âm nhạc, ông là một trong những nghệ nhân hiếm hoi của ôn Nhã nhạc cung đình, trở thành di sản sống, báu vật nhân văn sống của đất Huế.
Theo ông Trần Thảo (con trai của lão nghệ nhân), lẽ ra lễ trao tặng diễn ra sớm hơn, nhưng vì nghệ nhân giờ tuổi cao sức yếu, không tiện ra Hà Nội dự lễ. Vì thế Đại sứ quán Pháp đã quyết định trong dịp Festival Huế 2008, ngài Đại sứ Pháp Hervé Bolot đích thân trao tặng lão nghệ nhân tước hiệu cao quý này.
Truyền dạy tinh hoa Nhã nhạc
Một buổi biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế
|
Huế còn khối bí ẩn của cung đình xưa. Nhiều nghệ nhân đã và đang cố gắng bảo tồn những nét văn hóa truyền thống cổ, trong đó có nghệ nhân Trần Kích.
Còn nhớ, mùa hè năm 1992, Ban tổ chức Liên hoan Văn hóa Việt Pháp ở Huế đôn đáo tìm các nghệ nhân chơi các nhạc cụ dân tộc cổ truyền, lập nên CLB Phú Xuân với 16 thành viên - vốn là những nhạc công thời trẻ từng phục vụ trong cung đình triều Nguyễn như nghệ nhân Trần Kích, Nguyễn Kế, Mạnh Cẩm... để phục vụ Liên hoan. Và CLB Phú Xuân đã biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế rất thành công, khiến du khách phương Tây ngạc nhiên trước những làn điệu độc đáo, trình tấu bằng những nhạc cụ cũng rất độc đáo.
Từ đó du khách nước ngoài tới Huế thế nào cũng phải một lần xem biểu diễn Nhã nhạc cung đình. Thế là Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế nhờ luôn cha con nghệ nhân Trần Kích và một số nghệ nhân khác trong vùng (vốn đã phải chuyền sang làm nghề kèn trống đám ma) để lập nên đội nhạc - sau này là thành viên của Nhà hát Duyệt Thị Đường nổi tiếng.
Từcái nôi nghệ thuật cổ truyền, ông đã trui rèn để chơi thành thạo tới tuyệt kỹ các loại nhạc cụ dân tộc như kèn đại, kèn lỡ, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu, sáo... cho nhạc tuồng Huế, nhạc Phật, nhạc múa cung đình, nhạc đệm cho ca Huế… Với bề dày nghệ thuật đặc biệt, nghệ nhân Trần Kích đã góp phần vào việc bảo tồn, xây dựng và phát triển loại hình âm nhạc cung đình Huế, ca Huế. Ông đang cùng bạn nghề ở tuổi xưa nay hiếm trực tiếp đem tài năng của mình gìn giữ hồn và tinh hoa Nhã nhạc để truyền dạycho lớp học trò nối tiếp..
Người dân Huế thường thấy lão nghệ nhân cao tuổi rong ruổi đạp xe tới các trường học nghệ thuật như CLB Phú Xuân, Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế... để dạy Cống – Xê – Sự - Xàng… (ký âm của Nhã nhạc tương ứng với các nốt Độ - Rê – Mi – Pha…) cho học sinh, để khi trăm tuổi về giời thì những tinh hoa, hồn Nhã nhạc vẫn trường tồn và phát triển. Một số học trò đã trở thành những nghệ sĩ tên tuổi ở Huế như NSƯT La Cẩm Vân, Tôn Nữ Lệ Hoa, Quý Cát, NSƯT Đại Dũng, Trần Thảo...
Đại sứ Hervé Bolot đã nhấn mạnh trong lễ trao tặng danh hiệu rằng: “Nghệ sĩ ưu tú - Nghệ nhân dân gian Trần Kích đã có rất nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, đặc biệt là Nhã nhạc Huế. Ông xứng đáng như một chiến sĩ trong việc giữ gìn và phát huy giá trị đa dạng của di sản văn hoá”...
Nghệ thuật Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là kiệt tác Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (2003, tại Pari, Pháp), đã có hơnnửa thế kỷ gìn giữ vào bảo tồn.
Năm 1995, Nhà Văn hóa Thế giới tại Pháp đã mời CLB Phú Xuân sang biểu diễn và thu đĩa CD chương trình do CLB dàn dựng với sự giúp đỡ của các nhạc sĩ Việt Nam tại Pháp, gây tiếng vang lớn. Năm 1996, báo giới phương Tây đã bình chọn CD này là CD âm nhạc truyền thống hay nhất.
Năm 1962 tài nghệ của ông chính thức được truyền dạy lại cho các thế hệ học trò khi tham gia giảng dạy tại Trường Quốc gia Âm nhạc Huế (Viện Âm nhạc Huế bây giờ), Câu lạc bộ Phú Xuân, Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế.
Năm 1970 nghệ nhân Trần Kích đã sang Nhật Bản biểu diễn Nhã nhạc cung đình tại Hội chợ Oaka. Năm 1984 ông là một trong những người được Nhạc viện Hà Nội mời ra làm giám khảo môn nhạc truyền thống Huế cho khoá tốt nghiệp đại học nhạc cụ truyền thống đầu tiên…
Ông đã tới Hàn Quốc, Nhật, Pháp, Bỉ, Lupxembour, Hà Lan, Thụy Sĩ... giao lưu, giới thiệu Nhã nhạc cung đình Huế. Năm 2007 Nhà nước đã phong tặng ông là Nghệ sĩ Ưu tú.
Nghệ sĩ Ưu tú - Nghệ nhân Dân gian Trần Kích là một tấm gương sáng của lòng say mê âm nhạc dân tộc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét