(TT&VH Online) - Kimo William là nghệ sĩ nhạc jazz Mỹ, người từng tham gia giảng dạy nhạc jazz tại Nhạc viện TP.HCM; đáng nói hơn nữa ông là một cựu binh Mỹ từng có mặt tại chiến trường Việt Nam. Lần này trở lại với ban nhạc jazz tại Festival Huế vào ngày 4/6, ông sẽ trình diễn một số tác phẩm sử dụng chất liệu nhạc cung đình Huế và các nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Trước khi đến Huế ông đã có buổi biểu diễn tại Nhạc viện TP.HCM (2/6). TT&VH có cuộc trò chuyện với ông.
- Là người từng trực tiếp giảng dạy nhạc jazz tại TP.HCM trong dự án hợp tác giữa Đại học Colombia và Nhạc viện, cảm nhận của ông về các học trò nhạc jazz Việt Nam của mình như thế nào?
- Rất khó để trở thành một nghệ sĩ nhạc jazz nếu không có được một nền tảng căn bản. Chúng tôi đang làm việc với những gì mà các bạn ấy có sẵn. Nhu cầu của thị trường âm nhạc Việt Nam cũng cần có những nghệ sĩ nhạc jazz bởi nhạc jazz cũng có thể chơi nhiều thể loại nhạc khác, vì vậy cũng rất cần một trường đào tạo nhạc jazz. Những học sinh đã từng tham gia lớp do tôi giảng dạy cần cố gắng nhiều hơn nữa, họ có kỹ thuật nhưng chưa có điều kiện tiếp cận nhiều để hiểu phong cách trình diễn của thể loại nhạc này.
Ảnh: Nghệ sĩ Kimo William |
- Là cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam, thời đó ông thuộc đơn vị nào, đóng quân ở đâu và ông trở lại mảnh đất này từ lúc nào?
- Tôi trở lại Việt Nam vào năm 1998, đó là lúc về thăm lại nơi đóng quân cũ của mình ở Lai Khê, Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
- Và từ khi nào thì ông trở thành một nghệ sĩ nhạc jazz?
- Tôi là nghệ sĩ chơi guitar trước khi đến Việt Nam, khi từ Việt Nam trở về Mỹ tôi học sáng tác nhạc tại trường Berkee, bất kỳ lúc nào tôi cũng viết nhạc từ trái tim của mình và đặc biệt là tâm hồn tôi luôn nghĩ về khoảng thời gian mà tôi từng sống tại Việt Nam.
- Đó có phải là lý do mà một số tác phẩm biểu diễn ở Nhạc viện TP.HCM và ở Festival Huế là những tác phẩm có kết hợp dàn nhạc jazz với nhạc cụ dân tộc Việt Nam?
- Tôi cũng từng sử dụng chất liệu âm nhạc của các nước khác, nhưng đúng là do ấn tượng của tôi trong thời gian trước đây tôi sống tại Việt Nam nên tôi muốn làm một điều gì đó về Việt Nam khi trở lại mảnh đất này. Năm ngoái tôi được mời dự một hội thảo ở Huế, mọi người nói rất nhiều về âm nhạc cổ truyền của Huế và khi nghe, ca cổ Huế đã hấp dẫn tôi, đó cũng là nguyên nhân tạo ra những cảm xúc để tôi xây dựng các tác phẩm kết hợp giữa nhạc jazz và âm nhạc Việt Nam.
- Trong chương trình có bao nhiêu tiết mục có sự kết hợp với âm nhạc Việt Nam?
- Có tất cả 3 tác phẩm, trong đó có một bài rất đặc biệt, nó mang tênCâu chuyện của Huế. Tác phẩm này dựa trên những làn điệu âm nhạc của vở múa cung đình nổi tiếng Nữ tướng xuất quân, trong tác phẩm này ngoài các nhạc cụ của dàn nhạc jazz còn có sự có mặt của đàn bầu và đàn t’rưng. Đây là tác phẩm được sáng tác cho Festival Huế, lần biểu diễn này là lần đầu tiên và đây có lẽ cũng là lần đầu tiên mà những nghệ sĩ Việt Nam phải chơi một nhịp rất đặc biệt - năm rưỡi/bốn.
- Ông đã tiếp cận, tìm hiểu về âm nhạc Việt Nam như thế nào?
- Chủ yếu là nghe nhạc Huế, còn những loại nhạc khác tôi không nghe nhiều lắm. Tôi rất thích âm thanh của những nhạc cụ dân tộc Việt Nam, đặc biệt là đàn bầu.
- Đàn bầu và t’rưng sẽ được sử dụng trong tác phẩm như một nhạc cụ màu sắc?
- Không, nó là một phần của tác phẩm, khó nói thế nào là màu sắc, thế nào là nhạc cụ chính bởi đôi lúc một nhạc cụ nào đó chỉ xuất hiện rất ít như lại tạo một hiệu ứng rất tốt. Đặc biệt sự diễn tấu của cây đàn bầu trong tác phẩm này sẽ truyền đạt một cảm xúc rất đặc biệt.
Rất khó để trở thành một nghệ sĩ nhạc jazz
nếu không có được một nền tảng căn bản.
|
- Theo ông, âm nhạc Việt Nam khi kết hợp với nhạc jazz, những khó khăn và những thuận lợi của nó là gì?
- Có những giai điệu trong tác phẩm Câu chuyện của Huế, khi nghe mọi người sẽ cảm nhận được đó là giai điệu cho soprano (giọng nữ cao), nhưng đàn bầu diễn tấu thì nó có những ngân nga tạo nên một hiệu quả đặc biệt, rất khó diễn tả bằng lời nói, nó cũng như một số nhạc của châu Phi, những nốt nhỏ rất đặc biệt không thể ký âm ra nốt được mà nó chỉ được cảm nhận qua diễn tấu của người nghệ sĩ. Khi dựng tác phẩm tôi nói cho người nhạc công biết cái tinh thần và sau đó họ sẽ chơi theo cảm xúc của mình. Đó cũng là điều cốt lõi của người chơi nhạc jazz và cũng có thể là điều khá mới lạ đối với những nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc của Việt Nam.
- Cảm xúc của ông như thế nào khi lần trước ông đến trong nhiệm vụ của một quân nhân và lần này là sứ mệnh của một nhạc sĩ?
- Tôi có nhiều tình cảm với Việt Nam và lần này quay trở lại không phải là cây súng M16 như trước đây… (cười) mà là một ban nhạc với những giai điệu của vùng đất mà tôi yêu mến. Thật thú vị.
- Cảm ơn và chúc ông có chuyến biểu diễn thành công tại Festival Huế.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét