(TT&VH Online) - Sáng 16/7/2008 tại Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, một công trình cải tiến nhạc cụ dân tộc đã được đánh giá đạt loại xuất sắc. Chủ nhân của công trình khoa học này là nghệ sĩ Cao Hồ Nga, nghệ sĩ thuộc Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen TP.HCM, đồng thời là thành viên của ban nhạc được nhiều người biết đến - Mặt Trời Đỏ.
Đàn tam thập lục ở Việt Nam
Đàn tam thập lục ngày nay được dùng trong dàn nhạc dân tộc Việt Nam, ở những đơn vị đào tạo âm nhạc chính quy như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP.HCM, Đại học Nghệ thuật Huế… nó được xếp vào Khoa nhạc cụ truyền thống.
Thật ra đàn tam thập lục là nhạc cụ có nguồn gốc từ nước ngoài và được du nhập vào Việt Nam. Những tài liệu nghiên cứu âm nhạc cho thấy đàn tam thập lục xuất hiện từ thế kỷ thứ 12 và có nguồn gốc từ Ba Tư. Thế kỷ 18 đàn được du nhập vào Triều Tiên, Trung Hoa, Nhật Bản và nhiều nước châu Á khác.
Cao Hồ Nga biểu diễn Minh họa cho những cải tiến kỹ thuật
|
Ở Việt Nam từ thập niên 1930-1940, tam thập lục đã xuất hiện trong các gánh hát ở Nam bộ. Thập niên 50 nó được phổ biến trong các dàn nhạc lễ Nam bộ và các dàn nhạc của cộng đồng người Hoa ở chợ Lớn (TP.HCM). Đàn có mặt đàn hình thang, có những dây chăng ngang với những con lăn làm nhạn đỡ dây. Người diễn tấu có thể dùng tay búng, bốc, hoặc gảy bằng đuôi que bằng tre, nhưng phổ biến hơn cả là dùng 2 que tre có đính nỉ để gõ vào dây đàn. Tam thập lục có thể độc tấu hoặc giữ phần hòa âm cho những nhóm nhạc dân tộc bằng hợp âm rải, chơi những nốt trầm… Tuy nhiên một nhược điểm cố hữu của đàn này là âm vang tự ngân (do không dùng ngón tay bấm dây và không có hệ thống làm tắt âm thanh), điều này đã sinh ra nhiều “tạp âm”, nếu được khuếch đại âm thanh, người nghe sẽ nghe một mớ âm thanh “hỗn độn”. Đàn cũng có kỹ thuật lấy tay chận dây làm tắt âm thanh, hoặc để tạo ra âm thanh ngắt (staccato)… nhưng những câu nhạc ở tốc độ nhanh thì rất khó thực hiện.
* Công trình cải tiến tam thập lục
Trọng tâm của công trình cải tiến do nghệ sĩ Cao Hồ Nga thực hiện là sáng tạo và lắp đặt hệ thống chặn dây bằng nỉ với 2 pedal (bàn đạp). Một bàn đạp để ngắt âm thanh và một bàn đạp để tạo ra âm thanh pizzicato (như âm thanh búng dây ở các loại đàn dây).
Việc cải tiến này đã tuân theo những nguyên tắc cơ bản của việc cải tiến nhạc cụ như: không thay đổi hình dáng cơ bản của đàn, không làm biến dạng âm sắc vốn có, đàn vẫn thực hiện được những chức năng cũ của nó cộng thêm những chức năng mới cải tiến…
Cao Hồ Nga đã giới thiệu tóm tắt sau đó biểu diễn minh họa tác phẩm được diễn tấu với chức năng cũ của đàn và với những chức năng được cải tiến. Những tác phẩm như Xuân quê hương (Xuân Khải), Czardas(V.Monti), Con chim sâu (Quốc Trung) biểu diễn cùng ban nhạc Mặt Trời Đỏ… đã chinh phục Hội đồng nghiệm thu và những người tham dự.
Cao Hồ Nga biểu diễn cùng Nhóm Mặt Trời Đỏ |
Thật ra ở đàn piano cũng có pedal ngắt âm, pedal hãm âm (sourdine), nhưng với pedal tạo âm thanh staccato như Cao Hồ Nga làm với tam thập lục thì đây là sáng tạo mới. Được biết ở Trung Quốc cũng có cải tiến dùng hệ thống ngắt âm cho tam thập lục, nhưng hệ thống tạo tiếng staccoto thì không có. Ở Việt Nam, có giảng viên Bích Thủy ở Nhạc viện TP.HCM khi làm luận văn thạc sĩ về đề tài nhạc cụ dân tộc đã có đề cập đến việc cải tiến đàn tam thập lục, nhưng chỉ mới trên lý thuyết.
Có thể nói đây là công trình cải tiến mang hiệu quả thực tiễn cao góp phần thiết thực vào việc nâng cao khả năng biểu diễn của đàn tam thập lục. Tuy trong văn bản của công trình còn thiếu những mô tả chi tiết các bộ phận cải tiến cho đúng phương thức của một công trình khoa học, nhưng với những hiệu quả mang tính thực tiễn cao như đã nêu trên, Hội đồng nghiệm thu của Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM đã đánh giá và xếp loại đây là công trình xuất sắc với số điểm 93,6/100.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét