Bảo tồn âm nhạc truyền thống

Hơn bao giờ hết, thời đại toàn cầu hóa giúp chúng ta nhìn nhận một cách đầy đủ và thấu đáo hơn về những giá trị vô giá mà các di sản văn hóa phi vật thể đem lại. Các loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam đang được nhiều nước và UNESCO quan tâm, nghiên cứu và đánh giá cao về tính nhân văn, thẩm mỹ, nơi làm thăng hoa những tâm hồn đẹp cũng như tạo sự gắn kết cộng đồng.
Để không đánh mất bản sắc truyền thống dân tộc hoặc chệch hướng văn hóa trong thời hội nhập, cách tốt nhất là tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ hiểu sâu sắc cội nguồn và biết rõ những gì làm nên hồn nhạc cổ, từ đó nâng cao ý thức và hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống dân tộc.
Bảo tồn không nhất thiết chỉ có bổ sung vào giáo trình dạy âm nhạc vài bài bản cổ truyền hoặc giữ khư khư những bài bản cũ chính xác từng nhịp từng nốt. Bảo tồn luôn đi đôi với phát huy, chính vì thế vốn nhạc truyền thống không thể bị đóng băng cứng nhắc trên những trang giấy.
Từ thuở xa xưa các bài bản cổ truyền trong âm nhạc đã được ông cha ta truyền khẩu dưới hình thức dị bản và nhạc cổ luôn sống động, hấp dẫn lạ thường chính nhờ những ngẫu hứng trong sáng tạo cá nhân. Truyền dạy âm nhạc truyền thống của dân tộc còn là truyền dạy những kiểu cách đó, để đời sau có thể diễn tấu theo cách của mình, mang hơi thở của thời đại mình, thể hiện tâm trạng nhiều vẻ mà vẫn được các cụ nghệ nhân tán dương chấp nhận, vẫn giữ vững được cốt cách, hồn vía thẳm sâu của nhạc cổ. Loại hình đờn ca tài tử Nam bộ là một ví dụ điển hình. Ở nghệ thuật này, người ta tôn trọng và phát huy tính ngẫu hứng, sáng tạo, mang nét đặc trưng của nghệ nhân, của vùng miền hết sức hài hòa, độc đáo. Bảo tồn dứt khoát không phủ nhận sự phát triển, mà trái lại tạo ra bệ đỡ cho những sáng tạo mới, làm cho âm nhạc truyền thống ngày càng được phổ biến sâu rộng, tạo nên nét đẹp thẩm mỹ trong đời sống. Thêm một nét bảo tồn thông qua cách thức học nghề phổ biến trong dân gian theo mô hình gia đình, dòng họ, phường hội..., nay vẫn còn được tiếp tục cha truyền con nối trong các gia đình nghệ nhân, và gần đây phần nào được lan tỏa vào sinh hoạt câu lạc bộ âm nhạc dân tộc ở một số trung tâm văn hóa. Đó là điều đáng khích lệ. Điều đó đã bảo tồn âm nhạc truyền thống.
GS-TS Terry E.Miller giảng dạy bộ môn dân tộc nhạc học tại Đại học Kent (Mỹ) phát biểu: “Âm nhạc truyền thống Việt Nam quyến rũ lạ lùng…”. Còn GS-TS Trần Văn Khê nhận định: “Âm nhạc truyền thống Việt Nam đi vào thế giới bằng nhiều ngõ: ngang qua những thiên du ký, những bài khảo cứu về dân tộc học, nhạc học in rải rác đó đây…”. Như vậy có thể nói âm nhạc truyền thống Việt Nam - còn gọi là nhạc cổ truyền đã vươn ra thế giới và thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu âm nhạc cũng như của đông đảo công chúng thưởng thức, góp phần làm rạng danh tinh thần Việt.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

More

Whats Hot