Nhắc lại các di sản văn hóa phi vật thế của thế giới tại Việt Nam

Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên,… hay mới đây nhất là Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Tất cả đều đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
Nhã nhạc cung đình Huế:
Là một loại hình âm nhạc mang tính bác học của các triều đại quân chủ trong xã hội Việt Nam suốt hơn 10 thế kỷ, nhã nhạc cung đình Huế ra đời nhằm tạo sự trang trọng cho các cuộc tế, lễ của cung đình như Tế Giao, Tế miếu, Lễ Đại triều, Thường triều… Tinh hoa này được cô đọng lại dưới triều Nguyễn, giúp Huế càng được khẳng định hơn với vai trò một trung tâm văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Với tất cả giá trị lịch sử ấy, ngày 7/11/2003, nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO đưa vào danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Huế song hành một lúc hai di sản văn hóa thế giới – vật thể và phi vật thể – đã đánh dấu một bước ngoặt về giá trị văn hóa của vùng đất này.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên:

Di sản này được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào ngày 15/11/2005. Tồn tại trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ đã hàng ngàn đời nay, nghệ thuật cồng chiêng ở đây đã phát triển đến một trình độ cao. Cồng chiêng Tây Nguyên rất đa dạng, phong phú, đã đi vào sử thi Tây Nguyên để khẳng định tính trường tồn của loại nhạc cụ này.
Dân ca quan họ:

Ngày 30/9/2009, quan họ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Quan họ Kinh Bắc được Hội đồng chuyên môn của UNESCO đánh giá cao về giá trị văn hóa, đặc biệt về tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ và trang phục.
Ca trù:
Ca trù
Ngày 1/10/2009, ca trù được công nhận là di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa thế giới có vùng ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam, có phạm vi tới 15 tỉnh, thành ở phía Bắc.
Hát xoan:
Hát xoan
Ngày 24/11/2011, UNESCO đã công nhận hát xoan – Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại với những giá trị cộng đồng trong việc sáng tạo và truyền dạy từ đời này qua đời khác. Hát xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần với hình thức nghệ thuật đa yếu tố, gồm có ca – vũ – nhạc, thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương – Phú Thọ, một tỉnh trung du Việt Nam. Hát xoan còn được gọi là khúc môn đình (hát cửa đình), tương truyền có từ thời các vua Hùng.
Đờn ca tài tử:
Đờn ca tài tử
Ngày 5/12/2013, UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. UNESCO đánh giá nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đáp ứng được các tiêu chí: Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa, thể hiện sự hòa hợp văn hóa và tôn trọng văn hóa riêng của các cộng đồng, dân tộc.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh:
Mới đây, ngày 27/11 tại Paris (Pháp), Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức vinh danh dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Là loại hình nghệ thuật dân ca này phổ biến trong đời sống của các cộng đồng xứ Nghệ, được hát trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, từ ru con, dệt vải, trồng lúa… Lời ca của dân ca ví dặm ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa người với người.
Thống kê năm 2013, tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện vẫn còn 260 làng có thực hành dân ca ví dặm và 75 nhóm đang hoạt động với trên 1.500 thành viên.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

More

Whats Hot