Trong những phương sách giáo dục thế hệ trẻ, có lẽ không có gì hiệu nghiệm hơn văn học nghệ thuật, trong đó có âm nhạc.
Nếu tuổi trẻ hôm nay phát triển đáng mừng về thể chất, cộng với sự năng động, khả năng tiếp thu nhanh nhạy cái mới, cập nhật về đủ mọi lĩnh vực cuộc sống thì tâm hồn, nhân cách lại có những biểu hiện lệch lạc, thậm chí xa lạ với truyền thống đạo lý của người Việt Nam ở một bộ phận thanh niên.
Trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, chủ đề Tổ quốc luôn được biểu hiện sâu sắc, thể hiện tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc. Chính chủ đề này đã làm nên giá trị lớn lao của âm nhạc truyền thống. Những bài hát ra đời ở thời kỳ tiền khởi nghĩa như “Cùng nhau đi hồng binh” (Đinh Nhu), “Du kích ca” (Đỗ Nhuận), “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi), “Tiếng gọi thanh niên”, “Lên đàng” (Lưu Hữu Phước)… tồn tại lâu trong trái tim nhiều thế hệ người dân Việt Nam vì đã khơi đúng mạch luồng tình cảm yêu nước của mỗi người dân nô lệ đã cháy bỏng khát vọng giải phóng, giành độc lập tự do.
Hàng loạt bài hát biểu hiện lòng yêu quê hương, căm thù giặc, quyết chiến quyết thắng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ chính là những minh chứng rõ nhất trong việc thể hiện phẩm chất công dân của mỗi người Việt Nam.
Tuổi trẻ hôm nay luôn cần được nghe những tác phẩm âm nhạc ấy để hiểu cha ông mình từng sống giản dị mà cao đẹp như thế nào trong quá khứ. Sẽ vô cùng nguy hiểm khi con người ta không biết cội nguồn, không biết mình sinh ra từ đâu và khôn lớn nhờ ai.
Hình ảnh những con người bình thường nhưng rất đỗi cao cả, đẹp đẽ được biểu hiện trong những bài ca về chiến đấu, lao động sản xuất, dựng xây cuộc sống mới sẽ luôn có tác dụng cảnh tỉnh những tư tưởng hạn hẹp, tầm thường của những người luôn chỉ biết đến cá nhân mình, những chiến sỹ lạc quan yêu đời đi chiến đấu như đi làm một việc đẹp đẽ, ý nghĩa nhất trong “Nhạc rừng” của Hoàng Việt, cô thôn nữ và chàng du kích vừa sản xuất, vừa chiến đấu để góp phần gìn giữ quê hương trong “Ngày mùa” của Văn Cao, những cô gái vui tươi hồn nhiên sâu nặng nghĩa tình với bộ đội luôn là nguồn động viên cổ vũ lớn cho các anh trong “Quê em” của Nguyễn Đức Toàn… sẽ là những bài học sâu sắc cho tuổi trẻ ngày nay về một lối sống, một nhân cách của mỗi con người trước hiện thực đất nước.
Theo lịch sử, đi suốt chiều dài cách mạng kháng chiến, xây dựng Tổ quốc của dân tộc, khối lượng các tác phẩm âm nhạc truyền thống cứ đồ sộ thêm. Và phẩm chất công dân của mỗi người Việt Nam được thể hiện trong các tác phẩm âm nhạc không chỉ ở ý thức chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà còn ở rất nhiều trong lao động, xây dựng công cuộc đổi mới, hoàn hiện các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội.
Những bài ca truyền thống về lao động và xây dựng Tổ quốc sẽ thức tỉnh họ nhận ra bản thân trong mối tương quan xã hội. Có thể tìm thấy ý nghĩa này trong bất cứ một tác phẩm âm nhạc có giá trị nào về đề tài lao động, như: “Bạn đời ơi, bạn có hay chăng niềm vui của những người dọn đến ngôi nhà mới mà chúng tôi vừa xây xong. Và em thân yêu ơi ngày mai chúng ta lại lên đường đến những chân trời mới…” (Bài ca xây dựng - Hoàng Vân). Lời ca mang ý nghĩa mộc mạc, giản dị, những tình cảm chân thành nhưng đẹp đẽ và cao cả… Trong âm nhạc truyền thống cũng có nhiều đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất (tôi, anh, em…) nhưng ngầm hoà quyện trong cái chung, trong cái “Ta”. Giáo dục thế hệ trẻ hôm nay rất cần họ hướng đến cái “Ta” ấy, bởi phải có nhân cách vị tha, cao thượng mới “Ta” được, thay vì cái “Tôi” nhỏ hẹp, tư lợi vị kỷ… Ngoài tình cảm với Tổ quốc, âm nhạc truyền thống còn giáo dục nhiều tình cảm tốt đẹp khác như tình mẫu tử, tình bạn, tình đồng loại và đặc biệt là tình yêu lứa đôi.
Ngoài những giá trị về tư tưởng, tình cảm, âm nhạc truyền thống còn có giá trị nghệ thuật cao. Đó là liều thuốc bổ giúp tuổi trẻ có được những khả năng tiếp cận, hấp thụ những chân giá trị đích thực, những cái đẹp cao sang mà điều này không thể thiếu trong việc hoàn chỉnh nhân cách. Những làn điệu dân ca các vùng đất nước thắm đượm hồn dân tộc được các nhạc sĩ xử lý khéo léo để tạo nên những tác phẩm hiện đại nhưng thuần chất Việt Nam, đã tạo nên những vẻ lung linh như những viên ngọc cho nền ca khúc cách mạng. Tuổi trẻ hôm nay được hấp thụ dòng âm nhạc này chẳng khác nào trẻ thơ uống sữa mẹ… Nghe những tác phẩm này, tuổi trẻ sẽ thêm phong phú, giàu có thêm mỹ cảm./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét