Trước thế kỷ XX chưa hề có khái niệm nhạc mới, nhạc dân tộc cổ truyền ở trong cung đình hoặc trong dân gian; âm nhạc của những nghi lễ - phong tục và âm nhạc trong đời sống tinh thần và vật chất của người dân, âm nhạc của mỗi giai đoạn trong cuộc đời con người… Đó là dân ca, là âm nhạc trong các nghi lễ phong tục dân gian, là Ca Trù, Ca Huế, Đờn ca Tài tử, là Quan họ, Xẩm, Xoan... là nền âm nhạc dân tộc - Việt Nam.
Người Việt Nam biết đến nền âm nhạc phương Tây vào cuối thế kỷ XIX đầu XX, bắt đầu bởi những nhà truyền giáo, những nhạc công người Pháp, những ca khúc Pháp và những bài kèn của quân đội viễn chinh… Cũng từ đó, âm nhạc Phương Tây vào Việt Nam bằng những bước rất dài. Chỉ trong vòng một thế kỷ, Việt Nam có dàn nhạc giao hưởng đẳng cấp quốc tế, có giải nhất Chopin của NSND Đặng Thái Sơn, có những tác phẩm giao hưởng, thính phòng đoạt giải quốc tế…
Trong chừng mực nào đó, dòng âm nhạc dân tộc cổ truyền cũng có những tiếp biến với nền âm nhạc phương Tây, hình thành một nền âm nhạc dân tộc truyền thống với nhiều khái niệm mới mà trước đó chưa từng được nghe nói đến: “nhạc cải cách”, “nhạc cổ, nhạc tân”, “nhạc dân tộc đương đại”, “nhạc truyền thống” v.v...
Không ít nhà nghiên cứu vẫn luôn đòi hỏi và tự hỏi “Như thế nào là nền âm nhạc dân tộc truyền thống đích thực?”
Thật ra, sự tiếp thu và biến đổi trong văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng là hiện tượng bình thường và phổ biến đối với hầu hết các nền văn hóa, âm nhạc trên toàn thế giới, kể cả những nền văn hóa có lịch sử lâu đời và là trung tâm của nền văn minh của nhân loại. Chúng ta thấy nối quan hệ tiếp thu – biến đổi trong văn hóa Hy Lạp – La Mã, Văn hóa Ấn Độ và văn hóa một số nước Hồi Giáo, văn hóa Ấn Độ và văn hóa các nước Đông – Nam Á v.v...
Tuy nhiên, đặc điểm bản sắc cũng được thể hiện ở sự tiếp nhận và biến đổi văn hóa. Cũng là sự vay mượn, tiếp biến nhưng người Việt luôn có cách tiếp thu và luôn biến đổi để hình thành hiện tượng văn hóa riêng mang hoàn toàn bản sắc Việt. Cùng với quá trình phát triển văn hóa của dân tộc, để phù hợp với truyền thống văn hóa bản địa và điều kiện xã hội đương đại, các hiện tượng văn hóa ngoại lai được tiếp thu, biến đổi, tồn tại cùng với truyền thống văn hóa dân tộc, và được xem như một giá trị văn hóa dân tộc đích thực.
Điều đó cũng dễ dàng nhận thấy ở nền âm nhạc dân tộc truyền thống ngày nay. Âm nhạc dân tộc cổ truyền tiếp thu lối ký âm trên năm dòng kẻ để ghi chép lại, ít nhất là lòng bản với những ghi chú nêu rõ đặc thù của âm nhạc dân tộc, mục đích để gìn giữ và lưu truyền, để đào tạo và giới thiệu ra nước ngoài. Tiến xa hơn nữa là sự tiếp thu hình thức, thể loại, lý thuyết, tư duy cấu trúc của âm nhạc phương Tây để có những sáng tác mới như giao hưởng, concerto, sonate dành cho nhạc cụ dân tộc; sự cải tiến về kỹ thuật diễn tấu và cải tiến nhạc cụ (gắn điện cho đàn bầu, khoét lõm phím đàn guitare, đưa vào dàn nhạc dân tộc và các học viện âm nhạc đàn tam thập lục...)...
Tóm lại, không phải là mới mẻ đối với sự biến đổi trong bản thân nền âm nhạc dân tộc, nhưng sự tiếp thu và biến đổi không được làm mất đi bản chất của nền âm nhạc. Nền âm nhạc dân tộc truyền thống dù có thay đổi và cải biên… vẫn phải giữ được cái gốc, dù đã có một dung mạo mới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét