Âm nhạc dân tộc truyền thống “ở đâu” trong nền âm nhạc nước nhà?

Từ những năm 80 của thế kỷ XX, khoa học công nghệ thông tin phát triển bằng những bước khổng lồ, đưa con người đến gần nhau hơn, những sáng tạo mới ở bất kỳ nơi nào trên thế giới vừa ra đời đã có thể lập tức được đưa đến người thụ hưởng. Sáng tạo văn hóa vừa ra đời đã có thể lập tức trở thành tài sản văn hóa chung của nhân loại. Điều này khiến nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia lo lắng về một thế giới nhất thể trong cơn lốc của “toàn cầu hóa”.
Ngay từ năm 1943, Đảng và nhà nước đã có quan điểm và định hướng về văn hóa nói chung và âm nhạc dân tộc truyền thống nói riêng (thông qua đề cương Văn hóa năm 1943). Gần đây, với Nghị Quyết Trung ương V Khóa VIII, quan điểm đó càng được các định rõ rệt và là cơ sở định hướng cho văn hóa, nghệ thuật cũng như âm nhạc trong giai đoạn hiện nay là: “Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Trong quá khứ, Đảng và nhà nước đã quan tâm bảo tồn và phát triển nền âm nhạc dân tộc, đã có những đầu tư cho sưu tầm nghiên cứu; sáng tác, biểu diễn và đào tạo âm nhạc dân tộc, âm nhạc cổ truyền. Âm nhạc dân tộc được hệ thống hóa, chính quy hóa, được đưa vào bảo tồn, nghiên cứu, giảng dạy trong các viện nghiên cứu, học viện, nhạc viện. Nhưng, ngày nay những thay đổi quá lớn, nhanh, mạnh do xu hướng toàn cầu hóa và cơn lốc thị trường về kinh tế, vị trí của âm nhạc dân tộc trong đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi.
nhaccucotruyenNếu như trước đây, âm nhạc dân tộc là thể loại duy nhất được sáng tạo, diễn xướng, sử dụng và cảm thụ trong đời sống tinh thần và vật chất của người dân thì nay đã có rất nhiều thể loại khác, từ nhiều nguồn khác nhau. Đời sống âm nhạc được hình dung như một “thị trường” và người dân có thể chọn lựa (mà không có định hướng), thậm chí bị tiếp nhận một cách thụ động.
Nếu như âm nhạc dân tộc Việt Nam với nguồn cội từ nền kinh tế trồng lúa nước, đã sinh ra những điệu hò khoan, những câu hò máy đẩy,  âm nhạc trong nghi lễ cầu mưa... thì nay đã không còn điều kiện, môi trường như trước để sản sinh và tồn tại các thể loại âm nhạc đó nữa. Âm nhạc của những thế hệ trước được sinh ra từ trong cuộc sống của người dân với nền tảng là cuộc sống gia đình, làng xóm, quê hương; với nhu cầu phục vụ cho tín ngưỡng, cho lễ hội, phong tục, cho tình yêu, giải trí, và kể cả cho những tập tục lễ nghi cung đình... thì nay đã hoàn toàn thay đổi, âm nhạc đó khó có điều kiện tồn tại trong đời sống người dân đương đại. Điều kiện kinh tế, lao động, sinh hoạt... đã thay đổi. Âm nhạc có thể được khơi nguồn từ nhà máy, từ trường Đại học, từ những chủ đề mới trong cuộc sống. Thậm chí, những nghi lễ đời người như hôn nhân, tang lễ, cúng tế… cũng được hình thành theo kiểu mới, có nhiều chọn lựa và... “mang tính toàn cầu” !
Âm nhạc dân tộc không còn vị trí độc tôn như những thế kỷ trước. Đời sống xã hội đương đại có những yêu cầu mới và có những nội dung mới nhưng mang tính bản chất của thời đại. Khó có thể gìn giữ những điệu hò giã gạo – giao duyên hay những điệu múa hát sắc bùa trong đời sống dân gian hiện nay bởi không gian mới không có nhu cầu cho những thể loại này. Thay vào đó là những thể loại âm nhạc mang tính cơ học, sự thắng thế của kỹ thuật điện tử, âm nhạc mang tính toàn cầu và kể cả tính thực dụng của văn hóa phương Tây.
Tất nhiên, như đã nói trên, với những tiếp thu và biến đổi, những sáng tạo, cái tiến, cải biên…nền âm nhạc dân tộc truyền thống hiện nay đã có một dung mạo mới, nhưng nền âm nhạc dân tộc đó cần phải thể hiện được bản sắc của văn hóa Việt.
Khuynh hướng nhất thể hóa, toàn cầu hóa văn hóa nhân loại khiến nhiều nhà lãnh đạo quốc gia lo ngại. Bởi nó dễ dàng làm gẫy, đổ nền tảng văn hóa, bởi nó có thể xóa hết những bản chất tốt đẹp, tính dân tộc trong mỗi con người. Bởi bản sắc văn hóa, nét riêng của mỗi cộng đồng người, tộc người, của một quốc gia được xem như chủ quyền, như tấm căn cước văn hóa và là nền tảng của sự cố kết cộng đồng, là sức mạnh của dân tộc. Người Nhật, người Triều Tiên biết giáo dục lòng tự hào dân tộc cho công dân, biết giữ gìn đặc điểm văn hóa, thuần phong mỹ tục của họ, xây dựng lòng tự tôn dân tộc, giữ gìn nhân phẩm, ý chí, nâng cao nhân cách của mỗi cá thể theo tinh thần dân tộc… Đến lượt mình, nhân cách, nhân phẩm của mỗi cá nhân sẽ trở thành yếu tố thành công của người Nhật, người Triều trong xây dựng kinh tế, phát triển xã hội.
Âm nhạc dân tộc, truyền thống cũng là một thành tố của nền văn hóa, của bản sắc dân tộc. Âm nhạc dân tộc cần có một vị trí, cần được đưa vào giáo dục, để người dân sáng tạo, cảm thụ… và để phát huy sức mạnh của bản sắc, của tinh thần dân tộc trong mỗi người Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

More

Whats Hot