SỨC TRUYỀN CẢM TRONG TIẾNG KHÈN MÔNG
Con trai người Mông thổi khèn.
Tiếng khèn theo đồng bào lên nương, xua tan đi những nhọc nhằn của lao động. Tiếng khèn rộn rã trong ngày hội mùa, báo hiệu một cuộc sống ấm no, và tiếng khèn tha thiết gọi tình yêu đến bên con người. Tiếng khèn ấy thực sự trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu được của người Mông ở miền núi xứ Thanh.
Người Mông ở Thanh Hoá có nguồn gốc di cư từ miền núi Tây Bắc xuống. Họ sinh sống rải rác tại các huyện vùng cao Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hoá. Ngày nay, trong đời sống của mình, người Mông ở miền núi xứ Thanh vẫn còn lưu giữ được những nét văn hoá truyền thống lâu đời của cha ông. Trong đời sống sinh hoạt âm nhạc của mình, người Mông sử dụng rất nhiều loại nhạc cụ đơn giản và giàu tính biểu cảm, từ chiếc sáo mèo cho tới khèn môi và khèn lá, nhưng ấn tượng và đặc sắc nhất vẫn là cây khèn.
Vật liệu để chế tạo nên cây khèn Mông chủ yếu là tre nứa và gỗ lấy trong rừng. Cấu tạo của một chiếc khèn Mông khá đơn giản, bao gồm 5 ống tre con và 1 ống cả dùng để ghép nối các ống con. Người ta chọn những nhánh tre già, đem vuốt cho sạch mắt và hong trên gác bếp từ 2-3 tháng. Sau đó mang xuống thông mắt và đục mỗi ống 1 lỗ nhỏ bằng nhau ở đầu ống khèn. ống khèn cả được làm bằng gỗ xoan hoặc gỗ pơ-mu tiện nhẵn mặt ngoài và đục rỗng ruột bên trong, dùng mũi dao nhọn khoét các lỗ để ghép 5 ống con vào tạo thành hình dáng của khèn. Trong chiếc khèn Mông, thì bộ phận quan trọng nhất là chiếc lam đồng nằm bên trong các ống khèn. Đây được coi là thanh quản của khèn. Trước kia, người Mông thường dùng kim loại đồng để tán mỏng, sau đó cắt nhỏ và ghép vào các ống khèn. Ngày nay, họ đã có những chiếc lam đồng đã được chế tạo sẵn, sau đó chỉ việc dùng dao rạch một đường nhỏ để lắp vào các ống khèn. Việc ghép nối các ống khèn con với ống khèn cả phải khít vào nhau, không để không khí lọt vào trong, như thế âm thanh của tiếng khèn mới đảm bảo độ vang.
Ông Lâu Trợ Dia ở bản Pa Đén, thuộc xã Pù Nhi, huyện Mường Lát không chỉ là một thợ làm khèn giỏi, mà ông còn là một người thổi khèn điêu luyện của bản Mông. Ông Dia kể lại rằng, khi còn trẻ rất thích thổi khèn, nhưng vì nhà nghèo không đủ tiền mua khèn nên ông đã khăn gói lặn lội sang bản Pù Quăn, xã Quang Chiểu để học cách chế tạo khèn. Giờ đây, mỗi lúc rảnh rỗi, ông lại vào rừng tìm vật liệu và tỉ mẩn làm nên những chiếc khèn cho con cháu thổi. Và những chiếc khèn ông làm ra đều rền vang, trong trẻo. Tiếng lành đồn xa, nhiều người Mông ở các bản khác cũng đã tìm về Pa Đén để mua những chiếc khèn của ông. Người thợ điêu luyện này không thể nhớ được mình đã làm ra được bao nhiêu khèn, nhưng những chiếc khèn Mông được làm ra từ tâm huyết của ông đã góp phần mang lại niềm vui cho đồng bào Mông.
Đối với những chàng trai người Mông, khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương trên rẫy thì cũng là lúc họ biết cầm khèn. Với họ, học thổi khèn không chỉ là một cách để giải trí, mà nó còn là phương tiện để thể hiện tài nghệ của mình và là chiếc cầu nối để họ tìm cho mình một người bạn đời thích hợp. Hình ảnh chàng trai khoẻ mạnh với những giai điệu khèn tha thiết kết hợp với những động tác múa khèn điêu luyện, luôn là ước mơ của các cô thiếu nữ người Mông.
Âm thanh trong tiếng khèn của người Mông là dạng âm thanh ngũ cung, khi trầm khi bổng, khi réo rắt lúc dồn dập, lúc cao vút như đang trên đỉnh núi mây vờn, lúc dàn trải mênh mang như đang ở lưng chừng và có khi trầm xuống như hút sâu vào lòng đất. Phải sống gần gũi với người dân tộc Mông mới hiểu được rằng, ẩn chứa sau những tâm hồn bình lặng là khát vọng sống, khát vọng được hoà đồng cùng thiên nhiên ở nơi vùng cao khắc nghiệt.
Này cô em bản xa
Cái rẫy nhà ta chẳng có người làm nên cỏ tốt hơn lúa
Cái áo ta mặc rách mà chẳng có người thêu
Em hãy về làm vui lòng mẹ cha ta
Theo gió núi, mây ngàn tiếng khèn mang tâm tình da diết của những chàng trai đến bên các cô gái. Để rồi những cô gái Mông khi nghe tiếng khèn gọi bạn, lòng thấy rạo rực bước chân tìm về với nơi có tiếng khèn ấy, để được chiêm ngưỡng tài nghệ thổi khèn, chơi khèn của các chàng trai. Giai điệu khèn giao duyên, trữ tình như trải nỗi lòng say đắm của những người đang yêu, hoà cùng đất trời bao la làm nên bản tình ca trên những đỉnh núi cao.
Xem thêm tại: Khèn Mông
Nguồn: ViAnhEm.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét