Bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống

Đối với mỗi dân tộc trên thế giới, âm nhạc truyền thống bao giờ cũng giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Đó là di sản vô cùng quý báu, là tinh hoa sáng tạo nghệ thuật của bao thế hệ, là cơ sở phát triển nền văn hóa âm nhạc của một dân tộc trong tương lai.
Nhân loại đã bước sang thế kỷ 21, nhân dân các dân tộc trên cả nước vẫn còn bảo lưu được một kho tàng âm nhạc truyền thống rất phong phú. Trong thời đại hiện nay, thời đại của công nghệ thông tin, thời đại kinh tế thị trường thì vấn đề bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia càng giữ vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Phát triển và bảo tồn âm nhạc truyền thống là một vấn đề mang tính sống còn đối với nền văn hóa âm nhạc của một dân tộc. Điều đó không chỉ cần thiết đối với cả nước mà còn cần thiết với mỗi địa phương, trong đó có tỉnh ta.
 Trong mấy chục năm qua Đảng nhà nước ta đã có nhiều chính sách về văn hóa nói chung, về nghệ thuật nói riêng nhằm khẳng định vị trí của văn hóa truyền thống Việt Nam trong xu thế hội nhập, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TW (khóa VIII) về việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, và nhiều văn kiện của Đảng, nhấn mạnh quan điểm, chủ trương lớn này.
Là một yếu tố quan trọng cấu thành văn hóa, âm nhạc cổ truyền với những giá trị tiềm ẩn mang tính bản sắc góp phần làm nên đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Âm nhạc cổ truyền ra đời và tồn tại như một yếu tố quan trọng cần thiết và không thể thiếu được của sinh hoạt văn hóa dân gian Việt Nam, gắn bó với mỗi con người từ thưở lọt lòng trong lời ru của mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay và là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của nền âm nhạc mới Việt Nam. Ngay từ khi mới ra đời vào những thập niên đầu của thế kỷ XX nền âm nhạc mới ViệtNam đã kế thừa và phát triển với  nhiều tìm tòi trên cơ sở các âm điệu dân gian truyền thống. Cùng sự phát triển của nhiều dòng âm nhạc khác, âm nhạc cổ truyền Việt Nam cũng đã chứng minh được những giá trị mang tính bản sắc của mình. Những làn điệu dân ca không chỉ vang lên nơi thôn quê, giữa các phòng hòa nhạc ở Việt Nammà hơn thế, đã đến và làm say lòng bầu bạn năm châu bốn biển. Là người Việt Nam dù ở nơi đâu chúng ta cũng luôn nhớ và tự hào về di sản văn hóa âm nhạc truyền thống mà cha ông ta đã để lại. Đối với một tỉnh có nhiều dân tộc anh em giàu bản sắc như tỉnh ta, việc bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc truyền thống rất cần phải đặt ra đúng mức và nghiêm túc.
Trên thực tế của công tác nghiên cứu âm nhạc có nhiều ý kiến rất khác nhau về phương thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Có người cho rằng đối với di sản âm nhạc cổ truyền điều phải làm và bắt buộc phải làm là bảo tồn, bảo tồn nguyên vẹn những di sản còn lại bằng nhiều giải pháp khác nhau. Cũng có ý kiến nêu ra, công tác kế thừa phát huy, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền âm nhạc truyền thống phát triển theo xu hướng tiên tiến và hiện đại. Có phát triển và phát triển mạnh mẽ, nền âm nhạc truyền thống mới có khả năng phản ánh đời sống một cách sinh động đáp ứng nhu cầu thưởng thức của con người hiện nay.
Để phát triển âm nhạc truyền thống, trước hết cần tiếp tục bảo tồn các giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống. Trong nhiều năm qua các thế hệ nhạc sỹ, các giảng viên âm nhạc, các nhà nghiên âm nhạc đã rất cố gắng và đạt được nhiều thành tựu trong việc sưu tầm và bảo tồn âm nhạc dân gian các dân tộc. Đối với cả nước đã có nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, công việc này đối với tỉnh ta đang là câu hỏi đặt ra với các nhà quản lý văn hóa và các nhà hoạt động chuyên môn về âm nhạc.
Hiện nay tại các trường văn hóa nghệ thuật trên toàn quốc vẫn tiếp tục duy trì phát triển và bảo tồn âm nhạc truyền thống qua các chuyên ngành nhạc cụ với đội ngũ giảng viên được đào tạo chính quy tại Học viện Âm nhạc quốc Việt Nam  nhằm cung cấp cho học sinh nhận thức và hiểu sâu sắc hơn về giá trị mang tính bản sắc dân tộc của mình.
Tuy nhiên với điều kiện của một tỉnh miền núi chủ yếu các em học sinh là dân tộc thiểu số, sự tiếp thu và phát triển âm nhạc truyền thống còn nhiều hạn chế, nhận thức của các em và những cơ sở văn hóa nơi các em ra nhận công tác chưa thực sự thúc đẩy để các em theo học các chuyên ngành nhạc cụ truyền thống vì họ cho rằng không thiết thực khi làm công tác văn hóa ở các bản làng. Chính vì vậy cần phải có sự kết hợp của các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách thu hút học sinh vào học tập, đồng thời sau thời gian học tập các em ra trường được cống hiến và làm việc tại các cơ sở hoạt động văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, đem kiến thức được học tập trong nhà trường  phục vụ cho sự phát triển của nền văn hóa nói chung và giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc trên địa bàn của tỉnh miền núi nói riêng.
Ngoài công tác giảng dạy, để bảo tồn âm nhạc truyền thống cần chú ý thêm là một hiện tượng âm nhạc dân gian bao giờ cũng tồn tại trong không gian văn hóa của nó, điều đó cũng đồng nghĩa với việc không thể nghiên cứu một hiện tượng âm nhạc dân gian chỉ là nghiên cứu thuần túy về phương diện các âm  thanh của hiện tượng âm nhạc dân gian đó. Nghiên cứu âm nhạc dân gian phải là nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện những yếu tố cấu thành trong không gian và thời gian tồn tại của hiện tượng văn hóa âm nhạc dân gian đó. Chính vì vậy ngay trong khi sưu tầm để bảo tồn âm nhạc dân gian cũng đã đòi hỏi ở nhà sưu tầm những tư duy ở một mức độ cao của người làm công tác nghiên cứu âm nhạc. Chỉ có như vậy, việc sưu tầm mới có thể hiểu rõ và bảo tồn một cách hiệu quả nhất những giá trị đích thực mang tính bản chất của hiện tượng văn hóa âm nhạc dân gian. Việc nghiên cứu âm nhạc dân gian phải là sự nghiên cứu đồng thời dưới nhiều góc độ khác nhau có sự phối hợp giứa các cấp các ngành.  Vấn đề đặt ra là rất lớn chắc chắn đòi hỏi những người làm công tác nghiên cứu âm nhạc, các cơ quan quản lý âm nhạc phải tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu mang tính khả thi cao.
Hy vọng trong thời gian tới, giới những người làm công tác âm nhạc sẽ thường xuyên có những cuộc gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống trong bối cảnh toàn cầu và của đất nước, làm sao để âm nhạc của mỗi dân tộc không chỉ chứng tỏ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà còn góp phần làm giàu, làm phong phú, đa dạng thêm kho tàng văn hóa âm nhạc chung.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

More

Whats Hot