(Bài dự thi) - Đăk Lăk - một tỉnh miền núi thuộc khu vực Tây Nguyên của Tổ Quốc, nằm trên cao nguyên Đăk Lăk phì nhiêu, nơi ẩn chứa nhiều tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng. Tôi biết được điều đó qua những bài dạy về Tây Nguyên, qua những bài viết trên sách báo thiếu nhi dân tộc. Tôi mong ước một ngày không xa lắm được đứng trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ ấy dù chỉ một lần thôi.
Thế rồi dịp may bất ngờ đã đến với tôi. Hè năm ngoái tôi lên thăm bà cô ở Buôn Đôn, chuyến đi ấy đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên.
Từ Kiên Giang theo bánh xe lăn gần 20 giờ đồng hồ tôi đã có mặt ở thành phố Buôn Ma Thuật – thành phố của xứ sở Cà Phê. Tôi say sưa tận hưởng hương vị, vẻ đẹp của thành phố cao nguyên với không gian thoáng đãng, những thảm cỏ xanh mượt, những hàng cây rợp mát, những cảnh vật lạ lẫm, đáng yêu đã làm tan biến đi cái nắng của Tây Nguyên. Tạm biệt Buôn Ma Thuật, tôi tiếp tục chặng đường Buôn Ma Thuật – Buôn Đôn. Tôi may mắn ngồi ngay bên cửa xe nên lòng rộn lên một cảm giác khó tả. Suốt chặng đường tôi chứng kiến một màu xanh non của những rẫy khoai mì, rồi những giàn tiêu như những giàn trầu không. Tôi tự hỏi tại sao trên cao nguyên đầy nắng tất cả những màu xanh ấy lại không phai nhạt? Phải chăng trên mảnh đất ấy có một sức sống mãnh liệt của tạo vật, nó giống như con người nơi đây, cần cù, bám đất, bám buôn. Tôi nhìn mãi mà không thấy chán.
Hai hôm sau cô chú tôi giới thiệu cho tôi về khu du lịch Bản Đôn - một khu du lịch sinh thái. Tôi đã nghe về khu du lịch này qua bài “chú voi con ở Bản Đôn”. Tôi lại tiếp tục cuộc hành trình mới, lần này tôi đi bằng xe máy để có dịp chiêm ngưỡng kỹ hơn. Trên con đường tới Bản Đôn tôi nhớ nhất những ngôi nhà sàn của dân tộc thiểu số, những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của những dân tộc anh em như Ê đê, Xơ đăng, Hmông…những chú lợn tộc như những con lợn rừng thật đáng yêu. Chẳng mấy chốc Bản Đôn đã hiện ra trước mắt tôi, mấy chú voi đang chở khách băng qua những cánh rừng già, dọc theo con sông Xê – pôk. Sau khi mua vé vào khu du lịch sinh thái, tôi phải vượt qua những chiếc cầu tre lắc lẻo ở dưới chằng bằng những sợi cáp to hơn cổ tay người lớn, cầu tre chòng chành đi lần đầu khiến tôi có cảm giác chóng mặt. Vài ba tốp thanh niên đi trên cầu, những cậu con trai vừa đi vừa nhún nhẩy làm mấy cô gái sợ hãi, ngồi vắt vẻo trên cầu..nhưng quen rồi lại tưởng đang ngồi trên tầu hoả nên thích thú. Kìa những cây si “ngàn năm” cổ kính vẫn đứng đó, chen khít nhau tạo thành những hình thù kỳ lạ. Đến đây sông Xê – pôk toả ra nhiều nhánh, tiếng nước chảy đưa tôi vào một thế giới huyền bí, đó đây văng vẳng tiếng già làng kể chuyện, phút chốc lại nghe như tiếng các chàng trai, cô gái Tây Nguyên, đâu đây lại là tiếng của những nhạc cụ dân tộc vang lên. Tất cả đã tạo nên âm hưởng đặc sắc mà chỉ có Tây Nguyên mới có. Đó là âm hưởng đặc sắc mà chỉ có Tây Nguyên mới có. Đó là bản hùng ca bất diệt, chính những điều đó đã giúp tôi xích lại gần với mảnh đất này, giúp tôi yêu đời, yêu cuộc sống mặc dù nơi đây không phải là quê hương ruột thịt.
Cho đến bây giờ, tâm trí tôi luôn hiện lên hình ảnh Tây Nguyên hùng vĩ, có đến Tây Nguyên mới thấy được “cái chất” của cao nguyên đầy nắng, đầy gió, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cuốn hút lòng người. Nếu ai có hỏi tôi “Bạn thích nơi nào nhất?” không do dự tôi sẽ trả lời “Đăk Lăk – luôn trong trái tim tôi”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét