Đồng vọng Bolero

Nếu lấy mốc đầu những năm 50 thế kỷ trước đánh dấu điệu bolero du nhập vào Việt Nam, thì đến nay đã ngót sáu thập niên. Dầu có những biến đổi thăng trầm theo thời cuộc và nhân tâm; nhưng không thể không thừa nhận rằng Bolero đã góp phần làm nên diện mạo của nền tân nhạc Việt Nam.

MỘT THỜI HOÀNG KIM

Cho đến nay, người ta còn chưa biết đích xác điệu nhạc bolero du nhập Việt Nam vào năm nào và bản bolero đầu tiên do ai sáng tác; chỉ biết đó là lúc phong trào tân nhạc Việt Nam phát triển mạnh mẽ, nhiều nhạc sĩ  sử dụng nhạc điệu phương tây thay cho nhạc điệu phương đông truyền thống.

Hòa vào trào lưu phơi phới của các ca khúc lời ta điệu tây ấy, nhiều ca khúc bolero đồng loạt ra đời, và từ thập niên 1960 về sau nó nhanh chóng đạt đến đỉnh cao cả về số lượng tác phẩm lẫn sự mến mộ trong công chúng. Các nhạc sĩ tiêu biểu cho dòng nhạc này như: Anh Bằng, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Trúc phương, Mạnh Phát, Minh Kỳ, Song Ngọc, Trần Thiện Thanh, Thanh Sơn, Vĩnh Sử, Trịnh Lâm Ngân, Hàn Châu .v.v…

Trả lời cho câu hỏi vì sao dòng nhạc này nhanh chóng chiếm lĩnh được số đông công chúng đến như vậy, mỗi người có một cách lý giải riêng. Tuy nhiên, hầu hết đều thống nhất ở chỗ bolero mang giai điệu bình dân, đơn giản và trữ tình nên dễ đi vào lòng người. Nó chạm tới hoàn cảnh của số đông người nghe, tạo cho họ một khoảng lặng như được an ủi, vỗ về bởi những đồng cảm rất sâu và rất thực. Từ những bản hoan ca, tụng ca mang âm hưởng đồng quê (Xóm đêm – Phạm Đình Chương, Gạo trắng trăng thanh – Hoàng Thi thơ, Khúc ca ngày mùa – Lam Phương, Lối về xóm nhỏ - Trịnh Hưng, Nắng lên xóm nghèo – Phạm Thế Mỹ, Thương về miền Trung, Ai ra xứ Huế - Duy Khánh .v.v...) mà người nghe như được thấy quê hương Việt Nam đang “nối vòng tay lớn”; đến những bản tự sự trữ tình (Hàn Mặc Tử - Trần Thiện Thanh, Những đồi hoa sim – Dũng Chinh, Chuyện tình Lan và Điệp – Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh .v.v...); hay những bản nhạc hoài niệm về ngày tháng cũ, về thân phận cô đơn và chia ly (Đường xưa lối cũ – Hoàng Thi Thơ, Nắng chiều – Lưu Trọng Nguyễn, Xin thời gian qua mau – Lam Phương, Buồn trong kỷ niệm – Trúc Phương, Hoa mười giờ - Đài Phương Trang, Áo em chưa mặc một lần – Hoài Linh, Yêu một mình – Trịnh Lâm Ngân, Nếu anh đừng hẹn – Lê Dinh - Dạ Cầm .v.v...) là những vần điệu tình tứ và riêng tư về cuộc đời dâu bể đa đoan, về lẽ hợp tan … dìu  người nghe vào tận ngút ngàn  nỗi buồn nhân thế nhưng lại không quá bi lụy hay đẩy cao oán hờn. Ở tận đáy sâu thăm thẳm ấy, người hát bolero như đang hát về hoàn cảnh, tâm sự của mình và người nghe cảm thấy như lòng mình được xoa dịu bằng những nỗi buồn ngọt ngào để ấp ủ những khát vọng hồi sinh, đưa niềm vui về trở lại với  cuộc đời. 

Cũng cần nói thêm rằng có bao nhiêu ca khúc bolero là có bấy nhiêu câu chuyện hoàn chỉnh được viết bởi thứ ngôn ngữ  rõ ràng, giản dị, mộc mạc nhưng chính đó là ngôn ngữ gần gủi, là thứ duyên ngầm gắn bó với quê cha, đất tổ, với bờ tre ruộng lúa, với tình làng, nghĩa xóm … Điều đó cùng với giai điệu mượt mà như đã nói làm tăng thêm sự ái mộ của công chúng - nhất là tầng lớp bình dân chiếm đa số - qua các dọng ca Hà Thanh, Hoàng Oanh, Kim Loan, Thanh Tuyền, Duy Khánh, Nhật Trường, Trung Chỉnh, Phương Đại, Giao Linh, Hương Lan v.v...

LẠI TÌM NHỮNG LỐI ĐOẠN TRƯỜNG MÀ ĐI

Từ sau 1975, có người cho rằng “nhạc vàng” đã chết trong không khí hân hoan mới, bời cơ sở của nó là sự bất lực và bế tắc, thậm chí hoảng hốt của giai cấp tư sản đứng trước cơn lốc quay cuồng của đồng tiền, lợi nhuận, trong một thực trạng xã hội do chính họ xây dựng nên.
Đây cũng là dấu mốc thời kỳ “thoái trào” của bolero.
Về “lý luận” người ta cho rằng Bolero là thứ nhạc vàng vọt “ lảng tránh những đề tài nóng hổi của thời đại”, chỉ rền rỉ về “ cái quá khứ vàng son hoặc nếu chưa thật là vàng là son thì cũng được sơn son thếp vàng bằng nỗi niềm nuối tiếc về quá khứ”, nguy hại của nó là “đã dẫn đưa con người về với quá khứ được thi vị hóa để ru người ta ngủ ngon trong cái thế giới lung linh ảo mộng”. Do vậy, “xã hội đang đào huyệt chôn nó”, “nó đang trên con đường đi tới nghĩa địa”, nó là “ những âm thanh của một thời “oanh” nhưng nay đã “liệt”. Thế là một bộ phận không ngại ngần dè bĩu, rẻ rúng và cho đó là thứ nhạcnũng nịu, vòi vĩnh, hoặc ai oán, trách móc, hờn dỗi đã quê mùa.
Mặc dầu trong một thời gian dài gần như trên các sân khấu ca nhạc, các phương tiện phát thanh- truyền hình, các ấn phẩm âm nhạc… vắng bóng nhạc phẩm bolero; mặc dầu phải trải qua nhiều thời điểm gian truân nhưng bolero chưa bao giờ chết. Vẫn là cái giai điệu êm ái, du dương muôn thuở, vẫn là nhịp điệu chách chách … chách bùm chách chậm rãi, khoan thai; bolero sống âm ỉ nhưng dữ dội bằng cách len lỏi vào cuộc đời con người trong mọi tình huống. Hát mừng tân hôn đôi vợ chồng trẻ, hát vui họp mặt bạn bè, hát tiễn người thân lên đường đi xa thậm chí là đi vào quân ngũ .v.v… không hề thiếu giai điệu bolero.

Trong những nỗi “đoạn trường” ấy, sân khấu ca nhạc được đạo diễn, dàn dựng hẳn hoi thì vắng bặt bolero, nhưng ở sân chơi cuộc đời luôn có bolero son sắt như hình với bóng. Sức sống ấy làm cho những ai từng dè bĩu bolero có khi phải giật mình và sửng sốt bởi đồng vọng rất mênh mông của nó.

BOLERO KHÔNG CÒN TỘI NGHIỆP
Ở vào giai đoạn “thoái trào” của bolero, khi viết về số phận những bài ca mang giai điệu này có người vì quá “yêu” mà cảm thán “Tội nghiệp Bolero!” (*). Nhưng dầu có đợi chờ lâu thì cũng đến ngày “tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời” (Truyện Kiều), bằng chính “chất liệu” còn cần cho đời sống, bolero đã trở lại với công chúng ái mộ.

Không khó để nhận thấy rằng trong vài năm gần đây bolero đã tạo ra một làn sóng trên internet. Các báo, các trang mạng, diễn đàn … đăng tải rất nhiều bài viết, ý kiến đồng cảm hoặc là “chiêu tuyết” cho dòng nhạc này. Còn trong đời sống thì người hát, người nghe trở lại với bolero ngày càng đông. Nhiều câu lạc bộ bolero ra đời, hầu như ở địa phương nào cũng có; quy mô nhất phải kể đến hai câu lạc bộ bolero Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Ở đây ngoài những người bình thường còn quy tụ rất nhiều trí thức, doanh nhân, công chức v.v…

Khi đã có công chúng, dĩ nhiên sẽ có “sân chơi” và thị trường phục vụ. Từ các quán cà phê, quán bar, phòng trà “tiết điệu bolero”, đến những chương trình ca nhạc tầm cỡ - mà “Duyên dáng Việt Nam 23” là một ví dụ - đã dành cho bolero những không gian trang trọng để đưa cảm xúc con người hòa vào cuộc sống. Trong giới ca sĩ chuyên nghiệp gắn bó với bolero, ngoài những “dọng ca dĩ vãng” một thời vang bóng như Hương Lan, Giao Linh, Duy Quang, Evis Phương … nay có điều kiện quay trở lại với ánh đèn sân khấu phục vụ khan giả trong nước còn có những ca sĩ thành danh sau này như Quang Linh, Quang Dũng, Ngọc Sơn, Phi Nhung, Đan Lê … Và, khi dòng nhạc trẻ đang loay hoay mà chưa thể định hình bởi giai điệu và lời ca na ná, ai cũng viết được, thì nhiều dọng ca mang “thương hiệu” của nhạc trẻ một thời như Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Đan Trường … đã quay sang thử sức và “bén duyên” với bolero.
Sự quy tụ của các thế hệ ca sĩ đã mang lại cho bolero một luồng gió mới. Dĩ nhiên là cái hồn cốt thuần Việt trong ca từ, trong giai điệu (đã được các thế hệ nhạc sĩ dày công Việt hóa) vẫn được gìn giữ, nhưng bolero đã được cách tân bằng một ít chất kỹ thuật trong giọng ca mà vẫn sáng rõ, mượt mà, vừa ý người nghe khó tính.

            Vậy là sau những truân chuyên như số phận nàng Kiều, “trời còn để có hôm nay” - bolero thực sự đã có cuộc “đoàn viên” xúc động với công chúng, trọn vẹn như chính nó một thời.
                                                                                        
                                                                        Đông Hà, tháng Tư/2013
Chú thích:
(*) Tội nghiệp Bolero! là tiêu đề một bài viết và cũng là tên tập sách của tác giả Trần Hữu Ngư (NXB Văn Nghệ - TP Hồ Chí Minh, 2005)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

More

Whats Hot