Độc đáo nhạc cụ gỗ dừa

Với lòng nhiệt huyết và sự kiên trì, hai nghệ nhân Lê Thanh Liêm và Võ Văn Bá đã chế tạo thành công bộ nhạc cụ dân tộc từ gỗ dừa

Tại Festival Dừa Bến Tre năm 2012, bộ nhạc cụ dân tộc gồm 10 chủng loại đàn với 27 sản phẩm làm từ gỗ dừa được xướng lên trong đêm khai mạc đã thu hút nhiều du khách gần xa. Mới đây, bộ nhạc cụ ấy cũng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Bộ nhạc cụ dân tộc được chế tác bằng chất liệu dừa đầu tiên tại Việt Nam”. Tác giả của bộ nhạc cụ này là 2 nghệ nhân Lê Thanh Liêm (Lê Dân) và Võ Văn Bá (Ba Bá).

Ý tưởng lạ

Cả cuộc đời gắn bó với quê hương Đồng Khởi - Bến Tre, nghệ nhân Lê Dân luôn dành tình yêu sâu sắc với loại nhạc cụ truyền thống. Sống ở quê hương, ông càng nhận thấy gỗ dừa làm được nhiều thứ, từ sản phẩm thủ công mỹ nghệ đến vật dụng trong gia đình nhưng chưa ai làm nhạc cụ. Đem suy nghĩ của mình trao đổi cùng nghệ nhân Ba Bá, ông được người bạn thân ủng hộ hết mình. Hai ông bắt tay vào tìm tòi, nghiên cứu để làm sản phẩm.
 
Nghệ nhân Lê Dân (trái) và nghệ nhân Ba Bá chơi nhạc bằng nhạc cụ làm từ gỗ dừa

Lý giải cho việc chọn gỗ dừa làm nhạc cụ, nghệ nhân Lê Dân cho rằng ngày xưa, trong thời chiến, mỗi lần chạy giặc, nhạc cụ của đoàn văn công cái cong, cái gãy. Thế là mọi người nghĩ cách sửa lại để tối biểu diễn. Riêng những lần đàn sến, đàn kìm bị gãy, vì không có gỗ đặc dụng để thay nên ông lấy đại khúc gỗ dừa đục đẽo, mài giũa để thay thế nhưng âm thanh vẫn rất hay, vẫn được nhiều người khen ngợi.

Gian nan chế tác

Để có những nhạc cụ như đàn cò, đàn gáo, đàn kìm, đàn nhị, đàn tranh, đàn bầu..., nghệ nhân Lê Dân cùng nghệ nhân Ba Bá đã chọn gỗ dừa có tuổi thọ từ 30 đến 50 năm. Nhạc cụ đầu tiên được 2  ông chế tạo thành công lúc bấy giờ là đàn nhị và đàn gáo. Đàn làm ra cho âm thanh trong không kém gì những loại sử dụng gỗ thông thường. Tuy nhiên, khi thiết kế sang đàn kìm, 2 ông đã gặp không ít khó khăn vì gỗ dừa cứng, khó có thể uốn cong.
 
 Không nản chí, nghệ nhân Ba Bá nghĩ ra cách cắt thân cây dừa thành tấm, sau đó đục bỏ đi phần ruột, lấy vòng ngoài gọt giũa lại làm thành đàn. Sau nhiều ngày, cây đàn kìm đã phát ra âm thanh.

Nghệ nhân Lê Dân nhớ lại: “Khi đục ruột của thân cây dừa, nhiều thợ mộc đã không tin là chúng tôi làm được. Trong quá trình chế tác, chúng tôi chỉ làm bằng tay nên mất nhiều thời gian và công sức, nhất là những nhạc cụ phức tạp như đàn kìm, đàn tranh”.

Còn với nghệ nhân Ba Bá, dù đã có trên 30 năm kinh nghiệm làm nhạc cụ nhưng khi gặp phải gỗ dừa, ông cũng bối rối vì khó uốn cong, cắt gọt. Để làm được những chiếc đàn, ông phải ngâm gỗ vào nước để giữ ẩm, sau đó uốn cong từ từ. Ngoài ra, ông cũng cải tiến một số loại đàn trong quá trình thiết kế như gắn thêm lò xo vào đàn gáo để có được tiếng ngân vang hơn.

Quảng bá hình ảnh quê hương

Là những người con được sinh ra tại xứ dừa, 2 nghệ nhân luôn mong muốn đời sống tinh thần của bà con nơi đây thêm phong phú. Cũng chính vì thế mà sau khi được xác nhận kỷ lục cho bộ nhạc cụ truyền thống, 2 ông đã lên kế hoạch mở xưởng sản xuất nhạc cụ làm từ gỗ dừa để xuất khẩu sang các nước, giới thiệu, quảng bá với bạn bè những nhạc cụ đặc trưng chỉ có ở xứ sở dừa. Ngoài các nhạc cụ dân tộc, 2 nghệ nhân còn chế tạo nhạc cụ điện tử như: guitar điện, guitar bass... Trong thời gian tới, 2 ông sẽ nghiên cứu để gia công thêm đàn đáy, đàn tì bà.

“Lúc nào chúng tôi cũng trăn trở làm sao cho dừa Bến Tre làm được nhiều sản phẩm để bà con có thêm thu nhập. Vì thế, tôi hy vọng kế hoạch xuất khẩu những nhạc cụ này sẽ giúp bà con nơi đây có thêm việc làm, thế hệ trẻ hiểu và không quên những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc” – nghệ nhân Ba Bá bộc bạch.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

More

Whats Hot