Ở nhà thầy Khê

Vẫn gian phòng ấm áp, nơi trưng bày đủ loại nhạc cụ dân tộc và những di ảnh thuộc hàng quý hiếm trên đời, nhà GS Trần Văn Khê, ở số 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh-TPHCM cứ đầu tháng sau mỗi quý lại quy tụ khá đông những tâm hồn yêu âm nhạc dân tộc.

Tối 1-8, thầy Khê trình bày chuyên đề “Âm nhạc truyền thống Việt Nam phát triển mà không bị ngoại lai”. Gian phòng tiền sảnh nhà thầy đông kín người. Nghệ sĩ Hải Phượng cho biết: “Sáng sớm thầy bị cảm, đến trưa giọng hơi khàn. Chúng tôi lo đêm nay không biết thầy có nói chuyện được không”.

Đông đảo khán giả đến nghe thầy Khê nói chuyện tại tư gia trong chương trình sinh hoạt định kỳ 

Vậy mà như có một nguồn lực vô hình nào đó, thầy Khê vẫn bước ra tiền sảnh, khởi đầu câu chuyện thật hào sảng. Trước công chúng và nói về công việc mà thầy theo đuổi cả đời  bằng niềm đam mê cháy bỏng, những quan ngại về sức khỏe của thầy dường như phải lùi bước. Mấy ai biết, mỗi ngày từ 5 giờ, thầy đã thức dậy và công việc đầu tiên là soạn thảo những việc cần làm trong ngày. Ghi chép cẩn thận vào sổ. Sau mỗi tuần, thầy tổng kết, những quyển sổ phân biệt công việc cần làm, phải làm và sẽ làm được xếp ngăn nắp trên bàn. Trên máy vi tính, những chuyên mục công việc được soạn kỹ lưỡng. Có lần thầy nói: “Xem công việc dù lớn hay nhỏ đều như nhau thì cuộc sống sẽ ngăn nắp”. Chính vì ngăn nắp trong cách sống, cách nghĩ và cách làm nên kiến thức của thầy như được cất gọn trong những ngăn tủ, cứ mở ra là lấy. Điều đáng nể ở thầy là sự cập nhật thông tin để có thể đối chứng, so 
sánh, phân biệt, nhận định đúng sai trong quá trình nghiên cứu. Chính điều đó đã giúp cho kho tàng kiến thức âm nhạc dân tộc, văn hóa truyền thống của thầy càng thêm phong phú, sâu rộng. Đọc một thông tin mới, thấy vấn đề đặt ra còn mơ hồ, thầy truy cập internet ngay để tìm lời giải, có khi thầy điện thoại đến nơi đăng tải thông tin đó đề nghị đính chính, sửa chữa cho đúng. Nhớ là làm ngay và làm cho xong, dù có lúc thầy đã chuẩn bị lên giường nghỉ.
Tài hùng biện của thầy vẫn đầy sức hấp dẫn, dù thầy đang ở tuổi 89. Mỗi buổi sinh hoạt luôn mang lại nhiều niềm hứng khởi cho các bạn trẻ, bởi thầy biết cách dung hòa trước các đối tượng người nghe. Nhiều bạn trẻ tâm đắc khi nghe thầy nói đến hiện tượng một số nghệ sĩ cải lương ca hơi dài, vô vọng cổ mấy trăm từ khiến bài vọng cổ bị mất đi chất mộc mạc, đáng yêu của nó. Thầy nói: “Những gì phát triển từ bên trong ra là của cha ông sáng tạo, gầy dựng và chịu sự thử thách của thời gian mới thành tựu, còn phát triển từ bên ngoài vào thì cần phải thận trọng khi tiếp nhận để không bị mất gốc”.

Thầy kể, một du học sinh sang Nga bảo vệ luận án tiến sĩ về âm nhạc dân tộc đã bị đề nghị tước bỏ những câu hò trong ngũ cung của bản Lưu thủy trường, thầy nghe xong bực tức góp ý ngay: “Đâu phải tốt nghiệp trên đất bạn nên phải theo ý của bạn, con bỏ đi là mất cái gốc của bản nhạc rồi... Học của người nhưng phải biết giữ cái gốc của mình!”.

Ở tuổi 89 nhưng GS Trần Văn Khê không bỏ một buổi sinh hoạt định kỳ nào và chưa bao giờ phần nói chuyện của thầy bị thu ngắn, ngay cả những khi sức khỏe thầy không được tốt. Có lẽ trái tim yêu nước, yêu văn hóa dân tộc đã cho thầy thêm sức mạnh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

More

Whats Hot