(TT&VH) - Chương trình hòa nhạc dân tộc mừng Đại lễ 1.000 Thăng Long do Dàn nhạc dân tộc Việt Nam biểu diễn sẽ diễn ra vào 20h ngày mai, 7/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong chương trình này, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (ÂNQGVN) đã đặt viết 4 tác phẩm hòa tấu dàn nhạc cho nhạc cụ dân tộc, trong đó có tác phẩm Rồng bay khai nhạccủa nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo.
>> Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
>> Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
“Bao quanh tác phẩm là âm hưởng của ngôn ngữ âm nhạc hiện đại nhưng những kết tinh của âm nhạc dân tộc luôn tỏa sáng trong từng giai điệu” là đôi lời giới thiệu tác phẩm của nhạc sĩ về bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc Rồng bay khai nhạc.
Nhân sự kiện này, TT&VH đã có buổi trò chuyện cùng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo
80 nhạc công chỉ chơi nhạc cụ dân tộc
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo
|
- Khi Học viện ÂNQGVN ngỏ lời mời tôi sáng tác một tác phẩm cho dàn nhạc dân tộc, lại là một tác phẩm sẽ trình diễn để chào mừng Đại lễ, điều đầu tiên tôi cảm thấy là niềm vinh dự và rất hứng thú. Tuy nhiên, khi bắt tay vào sáng tác tác phẩm này, cũng không phải là một điều dễ dàng. Vì để dấn thân vào sáng tác cho một dàn nhạc với gần 80 nhạc công và chỉ chơi nhạc cụ dân tộc không phải là đơn giản. Khó khăn đầu tiên là nhạc dân tộc của chúng ta không quen chơi với số lượng đông. Chính vì thế, phải tìm cách để cách tân bản nhạc sao cho phù hợp với tiếng nói mới.
Là một Việt kiều xa tổ quốc hơn một nửa thế kỷ, lần này trở về đây, tôi không chỉ được sống trong không khí của những ngày Đại lễ mà còn có cơ hội đóng góp cho sự kiện trọng đại này một tác phẩm âm nhạc và cũng là tình yêu của tôi dành cho đất nước.
* Khi xem buổi tổng duyệt chương trình, phải công nhận, nghe tác phẩm của ông, điều đầu tiên người ta có thể thấy, đó là sự lạ, độc đáo và khác biệt. Tuy nhiên, ông có ngại khi tác phẩm của mình dễ trở nên lạc lõng trong tổng thể chương trình không? Khi các tác phẩm còn lại được viết với một “gu” khá giống nhau ở cách thể hiện âm nhạc dân tộc truyền thống?
- Trong chương trình lần này, có 4 tác phẩm được đặt viết với thể loại hòa tấu dàn nhạc dân tộc, trong đó có tác phẩm của tôi.
Gần đây, âm nhạc truyền thống đã được nhiều nhạc sĩ quan tâm một cách đặc biệt và mong muốn cách tân để phát triển dòng nhạc này ngày một nhiều. Tuy nhiên, phải nói là làm được điều này quả thật rất khó. Và để có một dòng nhạc có sự cách tân và có chỗ đứng trên nhạc đàn thế giới lại càng không phải dễ. Nhiều khi phải 1 - 2 thế kỷ mới đúc kết lên một số nhạc sĩ sáng tác đạt được điều đó.
Một cái khó ghê gớm nữa là âm nhạc truyền thống của chúng ta, tự thân nó đã là một kết tinh tuyệt đẹp rồi. Chính vì thế, mình chỉ có thể tìm cách cách tân nó, mà trước hết là phải bao bọc được sự kết tinh ấy trong một tổng thể như thế nào. Đây mới chỉ là quan niệm riêng của tôi, không hẳn đã đúng. Nhưng khi sử dụng âm nhạc truyền thống, tôi không cải biên một cách đơn giản mà luôn thể hiện sự độc đáo.
Còn để nói tác phẩm của tôi có bị lạc lõng hay không? Tôi không muốn nói là nó hay hay dở nhưng như bạn thấy đấy, khi chỉ huy xong tác phẩm, đi xuống phía dưới, tôi đã nhận được rất nhiều cái bắt tay của các đồng nghiệp hoan nghênh. Tôi rất cảm động vì điều đó. Và tôi hi vọng bài của tôi nằm trong chương trình này sẽ nêu ra một số câu hỏi cho các nhạc sĩ cũng như khán giả. Ví dụ, họ sẽ hỏi tại sao không có những bản nhạc dạng như thế này được biểu diễn phổ biến hơn?
Đưa 6 câu ca trù không cải biên vào tác phẩm
Sau chương trình này, Dàn nhạc dân tộc Việt Nam tiếp tục chuyến biểu diễn chương trình này ở Lào Cai - Thái Nguyên từ 13 - 20/10/2010. Riêng tác phẩm Rồng bay khai nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo sẽ có buổi ra mắt thứ hai với công chúng vào ngày 13/10/2010.
|
- Tác phẩm tuy có tên gọi Rồng bay khai nhạc, nhưng tôi xin nói ngay, không có dòng âm nhạc nào, không lời, mà diễn tả được hình ảnh rồng bay lên. Với âm nhạc, chỉ có thể có những câu nhạc được xếp chồng lên nhau, tạo sức hút lên.
Tôi dùng thủ pháp sáng tác hiện đại nhất trên thế giới để viết cho nhạc cụ dân tộc trong tác phẩm này với mục đích là để tìm cách nào đó, đóng góp cho sự cách tân âm nhạc VN, đặc biệt là âm nhạc truyền thống, nhạc cụ truyền thống và để tôn vinh nét đẹp truyền thống của âm nhạc Việt Nam. Do đó, tác phẩm được tạo dựng với một âm hưởng rất hiện đại, âm nhạc không có cung trưởng thứ, điểm vào đó là âm thanh của tiêu, sáo trúc được thổi theo lối ngâm thơ truyền thống, có đàn bầu, đàn tranh đệm.
Ngoài ra, tôi còn đưa 6 câu ca trù không cải biên vào tác phẩm là muốn nói đến sự kiện Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Tôi đã mời sinh viên Kiều Anh - một giọng ca trẻ hay nhất hiện nay, vừa hát vừa tự đệm phách và một em chơi đàn đáy để trình diễn phần âm nhạc này. Kết thúc tác phẩm là một cụm nốt bừng sáng vang lên trong không khí hào hùng.
* Cuối cùng, về VN lần này, cảm xúc của ông trước không khí chào đón 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội?
- Vây quanh tôi lúc này là một bầu không khí phấn khởi nhưng cũng không mất đi tính nghiêm túc của Đại lễ. Tôi được biết sẽ có 31.000 người duyệt binh diễu hành. Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên trong lịch sử có một số lượng người tham gia duyệt binh đông như vậy trong một sự kiện. Tôi thấy rất khó diễn tả cảm xúc của mình lúc này nhưng cả Hà Nội đang tưng bừng với cờ hoa khắp phố.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét