Mặt Trời Đỏ - nhóm năm cô gái mang cái tên “hơi bị rock” ấy lại là những nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc, hát những ca khúc mang âm hưởng dân ca.
Họ quyết tâm “mê hoặc” khán giả bằng cách lấy nhạc nhẹ làm nền, đánh những giai điệu “bốc lửa” bằng nhạc cụ dân tộc cùng vũ đạo hiện đại, ánh mắt lúng liếng và miệng cười thật tươi.
Khó lòng tìm được cô gái Sài thành nào giỏi đàn nhị, tì bà hay sáo trúc; nhưng phong cách trình diễn phá phách kiểu Mặt Trời Đỏ thì quả chỉ có ở miền Nam. Đó là nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Cường trong một lần xem Mặt Trời Đỏ trình diễn. Và không chỉ nhạc sĩ, rất nhiều khán giả khác cũng có cùng suy nghĩ đó. Mặt Trời Đỏ nói nhóm ra đời bởi “duyên kỳ ngộ”.
Năm cô gái, cô vào TP.HCM trước, cô vào TP.HCM sau; cô tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, cô tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM; có cô từng sang Nhật làm việc, có cô từng sang Thái Lan học cao học quản trị kinh doanh và làm việc tại đó bảy năm trời. Thế rồi, không hẹn mà cả năm cô gái gốc Bắc lại gặp nhau và lập nhóm ở Sài thành.
Hỏi ra mới biết cả năm đều chơi nhạc cụ dân tộc từ bé và đoạt không ít giải thưởng. Khi gặp nhau, cô nào cũng đã thành thạo ba nhạc cụ trở lên. Gia đình họ đều có người gắn đời mình với nhạc cụ dân tộc. Và cũng thật trùng hợp, họ đến với nhạc cụ dân tộc vì bị... ép học chứ ban đầu vốn chẳng ham thích gì.
Vậy mà giờ họ lại tự nguyện làm tất cả để nhạc cụ dân tộc có thể hấp dẫn người nghe. Minh Hà (sáo, tam thập lục, trống) kể thời gian làm việc ở Nhật, chị đã được tiếp cận nhiều với phong cách trình diễn nhạc dân tộc trong “màu” hiện đại của nước bạn và những nước châu Á lân cận. Không ít lần chị bấm bụng mua băng đĩa về nghiên cứu và thầm mơ có được một nhóm nhạc dân tộc - hiện đại như thế ở VN. Về nước, Hà gặp lại bạn cũ Minh Loan (đàn tranh, tam thập lục, trống).
Chia sẻ với bạn ước mơ của mình, ai ngờ Minh Loan cũng cùng đam mê và mơ ước. Họ bàn nhau lập nhóm chỉ để thỏa lòng. Nhưng cái khó đầu tiên là phải tìm đủ các “cây”. Minh Loan nhớ ngay đến bạn học cũ là Thu Thủy (“cây” nhị, tứ). Thủy gật đầu “cái rụp”. “Cây” tam thập lục, t'rưng thì đã có Hồ Nga, vốn từng biểu diễn với Thu Thủy đôi ba lần trong các liên hoan nhạc jazz châu Âu hay các chương trình nghệ thuật, trao đổi văn hóa với Pháp.
Vẫn còn thiếu một giọng hát và “cây” tì bà. Sắp bó tay thì bốn cô gái bỗng phát hiện ở Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen có một diễn viên thuộc tổ ca nhưng lại có nghề chơi tì bà rất cừ. Và em út Hoài Phương với giọng soprano trong trẻo, cao vút đã vào nhóm.
Mục tiêu của Mặt Trời Đỏ là phải thoát khỏi lối trình diễn nhạc cụ dân tộc vốn đã quá nhàm chán và thụ động, phải làm mọi cách để giới trẻ có thể “hấp thụ” nhạc dân tộc thật tự nhiên và dễ dàng. Mục tiêu rõ ràng là thế nhưng rồi họ cũng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Thôi thì bắt đầu từ việc... tiếp thị hình ảnh.
Trong trang phục thật bắt mắt, kiểu dáng hay chất liệu gì cũng vừa hiện đại vừa dân tộc, Mặt Trời Đỏ kéo nhau đi chụp ảnh rồi tự giới thiệu đến bạn bè trong nghề. Vậy mà cũng có ngay show đầu tiên tại Bình Quới vào tháng 9-2005. Nhận show rồi mới giật mình vì nhóm chưa biết gì về vũ đạo hiện đại. Cầu cứu nghệ sĩ múa Tấn Lộc và được giúp đỡ tận tình. “Thầy” tận tình đến mức “trò” phải dậy từ 5 giờ sáng để đến rạp Lệ Thanh (Q.5) học vũ đạo.
Nhóm Mặt Trời Đỏ tại lễ trao giải Bài hát Việt 2005. Từ trái qua: Hồ Nga, Minh Loan, Hoài Phương, Thu Thủy, Minh Hà. |
Cứ ngỡ không gì cản nổi năm cô gái nhưng suýt nữa là họ đã không thể vượt qua chính mình. “Cô giáo làng” Minh Loan thì ngượng quá vì cứ tự cho rằng mình đã "nhớn" rồi mà còn bày trò nhí nhố, nhún nhảy cùng những giai điệu êm ả của dân tộc. Còn Thu Thủy và những thành viên còn lại thì “phát sốt” lên vì làm sao mà vừa lắc lư, nghiêng vai, hất cằm, đong đưa tóc... lại vừa đàn cho được! Vậy mà từ show diễn đầu tiên ấy, với tiết mục Xe chỉ luồn kim, Mặt Trời Đỏ lập tức “đỏ”.
Giờ thì Mặt Trời Đỏ đã xuất hiện khá nhiều trong các chương trình Chung một tấm lòng, lễ trao giải Bài hát Việt 2005, Sắc màu âm nhạc... với những tiết mục gần gũi, dễ thương nhưng cũng cực kỳ ấn tượng: Trống cơm, Mái đình làng biển, Nắng có còn xuân, Lý ngựa ô...
Khi show bắt đầu “dày” cũng là lúc nỗi lo chồng chất: làm thế nào để đa dạng các tiết mục, làm thế nào để có thể giới thiệu những tác phẩm tự sáng tác đến khán giả trong thời gian sớm nhất, làm thế nào để tươi mới trong từng tiết mục… Tất cả đều không dễ bởi thời gian của họ bị “chia năm xẻ bảy”.
Minh Loan đang là giáo viên dạy nhạc tại Trường tiểu học Văn Lang. Hồ Nga là biên tập viên cho HTVC. Thu Thủy ngày ngày phải tròn trách nhiệm giám đốc chi nhánh cho một công ty truyền hình của Thái ở VN. Hoài Phương cũng phải hoàn thành tốt công tác ở nhà hát. "Cây sáo" Minh Hà lại phải dùi mài kinh sử chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp bộ môn đàn tam thập lục (hệ đại học). Đó là chưa kể đến “bí mật”: bốn trong năm “mặt trời” đã có gia đình. Ba trong số ấy đã là mẹ của những cô con gái nhỏ.
Ai từng biết về bí mật ấy ắt hẳn sẽ không ngạc nhiên khi một show diễn kết thúc lúc 21g mà các mỹ nhân đã "hốt hoảng" bảo muộn rồi và tất tả "biến" về nhà, chẳng để người hâm mộ kịp ngắm họ thêm giây nào. Nhưng dù đã biết các nàng "có em bé rồi nhé" vẫn không thể tin vào mắt mình bởi ngoài đời họ còn trẻ trung, xinh tươi, dí dỏm lắm, hơn cả lúc trình diễn trên sân khấu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét