Khèn

Khèn là một loại nhạc khí bản địa rất cổ đã có mặt ở Việt Nam từ trước Công nguyên. Trên các di vật của nền văn hoá Đông Sơn cổ đại còn lưu lại hình ảnh những người thổi khèn trong nhiều tư thế và bối cảnh khác nhau. Ngày nay, nhiều tộc ở Việt Nam vẫn sử dụng phổ biến loại nhạc khí này.
Khèn ở Việt Nam có nhiều kiểu dạng với số lượng ống, hàng âm và kích thước khác nhau. Các ống được làm bằng các loại tre nứa nhỏ. Lưỡi gà bằng đồng hoặc bằng tre. Bầu khèn bằng loại gỗ dẻo hoặc vỏ quả bầu khô rỗng ruột. Số lượng ống thường chẵn, từ 6 tới 12, 14 ống, cá biệt là khèn của người Xá Phó - gọi là ma nhí, có 5 ống. Mỗi ống có 1 lỗ bấm để thổi ra một cao độ theo hàng âm của từng tộc.

Là nhạc cụ đa thanh, khèn có thể dùng để đệm hát, múa, hoà tấu cùng các nhạc cụ khác và độc tấu. Trong sinh hoạt dân gian nó được dùng vào nhiều trường hợp và địa điểm khác nhau, tuỳ theo phong tục của từng tộc.

Ở Tây Nguyên người Ê Đê chỉ được dùng khèn trong nhà để thổi những bài nhạc buồn và đệm cho trai gái hát ayray vào những ngày tang lễ. Ngoài nương rẫy khèn được dùng thoải mái đệm cho múa trong những ngày hội đông vui hoặc thổi những điệu trữ tình để giải trí và đuổi thú rừng.

Các tộc ở miền núi phía Bắc dùng khèn tự do hơn. Đặc biệt, với người Mông, kềnh (khèn) giống như cơm ăn nước uống. Nó theo họ khắp nơi: khi lên nương, lúc xuống chợ, vào ngày hội vui cũng như ngày buồn. Trong tay các chàng trai Mông, khèn đồng thời là nhạc cụ và đạo cụ để họ vừa thổi vừa múa trổ tài trước các cô gái trong những dịp đông người. Với họ, khèn có khả năng biểu cảm rất lớn: "Nghe khèn, biết khóc hay cười".

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

More

Whats Hot