Gặp "vua" nhạc cụ dân tộc tuổi 37

Trở thành “vua” nhạc cụ ở tuổi 37, anh Pi Ke Dơ người dân tộc Pa Kôh được bà con dân tộc thiểu số sống trên dẻo cao A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) xem như một “hạt ngọc quý” trong hoạt động văn nghệ. Anh có thể tự làm và chơi thành thạo tất cả các nhạc cụ truyền thống của 5 dân tộc: Pa Kôh, Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều và Pa Hi.

Một lòng tâm huyết với "cái" nhạc thiêng Yàng ban, Pi Ke Dơ cũng trở thành người thầy của thế hệ thanh niên đam mê âm nhạc cổ truyền sống trên dãy Trường Sơn.
 Ảnh minh họa
 Vàng mười” về âm nhạc - Pi Ke Dơ bên những tấm bằng khen, chứng nhận

Cắt rừng tìm “thầy” học nhạc

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc, từ nhỏ Dơ đã sớm cảm thụ qua lời ru ngọt ngào của bà. 12 tuổi, Dơ tự chơi được thanh la, làm cho bạn bè cùng trang lứa phải sửng sốt. Trong nhiều loại nhạc cụ của đồng bào người thiểu số sống ở A Lưới thì khèn bè là một nhạc cụ khó sử dụng nhất. Nhưng bằng tài năng thiên bẩm, Dơ đã chinh phục được "nó". Già làng Võ Lang (xã Hồng Kim) tự hào: “gái bản theo hắn nhiều lắm, nhờ cái tài chơi nhạc mà hắn lấy được cô vợ xinh”.

25 năm qua, hàng chục loại nhạc cụ đã “qua tay” Dơ, như: tù và, khèn bè, chiêng, k'zooc k'zôn, đàn man, đàn toong, ơn toong, ang khui, tơng ngát, alia, xập xoã… Với anh, chẳng có nhạc cụ nào là khó học, vấn đề là để sử dụng điêu luyện nó cần bao nhiêu thời gian. Vậy là, để vốn âm nhạc của mình thêm phong phú, Dơ không ngần ngại cắt rừng tìm “thầy” ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam để học.

“Cái máu âm nhạc đã thấm sâu, nhiều khi có lễ hội ở các bản xa, dù ngại đi vậy mà đôi chân mình thì không chịu ở nhà”, Dơ dí dỏm. “Thầy” của anh chính là những Lễ Acha aza, lễ Ariêu Car, hội Ariêu Piing, qua đó anh được thoả chí học “mót” rồi mày mò cách chơi. Pi Ke Dơ chưa bao giờ qua trường lớp nào, tự học tất cả những âm sắc, làn điệu nhưng chưa bao giờ các già làng phải phàn nàn.

Dơ kể: “đam mê chơi nhạc nhưng mua nhạc cụ thì đắt quá. Rồi mình tự mày mò cách làm, đến nay, khoảng 2 tháng tiếp xúc với một loại nhạc cụ thì mình đã tự làm ra nó”. Từ một người chơi nhạc cụ giỏi nhất bản làng, Pi Ke Dơ cũng trở thành một người chế tác nhạc cụ xuất sắc. Hàng chục loại nhạc cụ được anh làm ra, anh cũng là “cha đẻ” cây đàn Toong với âm sắc độc đáo.

Tài năng lớn theo năm tháng, anh đã làm cho dân bản đi từ ngỡ ngàng này đến bất ngờ khác. Ngoài khả năng chơi nhạc thành thục, Dơ còn là một nghệ sĩ tài ba trong việc trang trí các lễ hội, làm tượng nhà mồ, thiết kế và dựng nhà Rông. Anh được mọi người ví như “cánh chim Prung vào hè”, lễ hội mà thiếu Pi Ke Dơ thì “trẻ không tới, già cũng không vui”, vợ anh bộc bạch.
 

 Ảnh minh họa
Pi Ke Dơ cũng là “ông vua” của đàn Ta Lư tại A Lưới

Để “tiếp lửa” cho bản làng

Nói về “vàng mười” Pi Ke Dơ trong đội văn nghệ lưu động huyện nhà, ông Lê Dừa, Trưởng phòng Văn hoá - Thể thao và Du lịch huyện A Lưới phấn khởi nói: “Dơ là “linh hồn” của đội văn nghệ, bao năm qua, nhờ có anh mà đông đảo trai bản được tiếp thêm nhiệt huyết về âm nhạc truyền thống”.

Những năm về trước, nhận thấy bản sắc người Pa Kôh mình dần nhạt phai, Pi Ke Dơ đã lặn lội tìm gặp các già làng để tái hiện những làn điệu cổ. Dần dần, anh cũng am tường sâu sắc âm nhạc các dân tộc khác. Anh cho biết: “các dân tộc ở A Lưới khó tách bạch nhau về âm nhạc, nếu mình chỉ chăm chú vào âm nhạc của người Pa Kôh thì sẽ không toàn diện”. Vậy là, Dơ bắt đầu mở các buổi họp thanh niên để dạy đánh cồng chiêng, chơi đàn, thổi sáo. Tuy không chơi giỏi như Pi Ke Dơ nhưng bây giờ trai bản đã có thể tự mình sang các vùng khác giao lưu và tìm… vợ. Họ rất tự tin vào những gì mà “thầy” Dơ truyền dạy.

Anh biết rằng, không phải do thanh niên lơ là với “âm nhạc của Yàng” mà chỉ vì chi phí để mua một nhạc cụ quá đắt đỏ nên người chơi nhạc ít dần. Nhận thấy điều này, Dơ bỏ công, bỏ tiền mua vật liệu về tự làm rồi trang bị cho những học viên của mình. “Lớp học” miễn phí của anh luôn thu hút nhiều người đến tập luyện.

Tâm nguyện lớn nhất của anh là làm sao mở được lớp dạy nhạc, dạy múa một cách quy củ và mở xưởng làm nhạc cụ để có thể tạo thêm việc làm cho người dân. “Đã nhiều lần các trường nghệ thuật hỏi mua nhạc cụ của mình nhưng không có, tiếc lắm. Mình nghĩ tại sao lại không biến làm nhạc cụ thành một nghề”, anh trăn trở. Với phong cách chơi nhạc hiếm có, lại có lòng đam mê dẫn dắt văn nghệ, Pi Ke Dơ thừa khả năng để làm được điều đó tuy vậy anh vẫn chưa thực hiện được vì thiếu kinh phí.

 Ảnh minh họa
Tiếng khèn bè của Dơ thu hút biết bao con gáibản

Hiện nay, dù đã có gia đình nhưng cứ nghe ở đâu có biểu diễn văn nghệ, anh vẫn hăng say vác khèn đi tham gia, có khi cả ở nước bạn Lào. Anh từng đem vinh quang về cho bản làng với 2 huy chương vàng, bạc và nhiều bằng khen trong các Hội diễn. Gần đây nhất, Dơ đã giành Huy chương vàng Hội thi giọng hát hay các dân tộc thiểu số của Đài Tiếng nói Việt Nam. Với những thành tích cộng với tâm huyết đáng quý, anh xứng đáng được vinh danh. 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

More

Whats Hot