Giống như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên trong phân biệt chiêng có núm với chiêng bằng, người Kơ Ho Lâm Đồng gọi chiêng là "chinh" hay "chiang", gọi cồng là "kuong". Chiêng (còn được viết là "cing") là những cái có kích thước nhỏ, không có núm. Cồng (kuong) là những cái to, có núm.
Cũng như đàn đá, chiêng là nhạc khí tự thân vang, mỗi chiếc là một cao độ. Chất liệu tạo nên loại nhạc cụ này chủ yếu là đồng (nếu chất liệu đồng có pha vàng là loại chiêng quý). Chiêng có hình tròn. Đường kính của cái lớn nhất có thể lên tới hơn 60cm, cái nhỏ nhất không đến 20cm. Bộ chiêng phổ biến nhất trong cộng đồng người K'Ho Lâm Đồng là giàn chiêng được biên chế 6 chiếc có tên gọi từ lớn tới nhỏ là Chiang Me, Rđơm. Dờn, Thoòng, Thơ và Thê (tài liệu của Jacques Dournes ghi là Ching Me, Rơlul, N’đơn, Tru, Ran và Kon).
Tấu chiêng (trun ching) là một sinh hoạt cộng đồng mang tính văn hóa của người K'Ho. Tùy vào nội dung và tính chất cuộc vui và người K'Ho sử dụng hình thức tấu chiêng sáu (ching droòng), chiêng ba (ching per) hoặc chiêng hai (ching du). Droong yang là hình thức tấu chiêng phổ biến nhất trong cộng đồng người K'Ho. Cộng tác viên cho biết bài bản của chiêng gồm "36 nhịp đánh khác nhau", nhưng đến lúc này, ít có người K'Ho nào nhớ đầy đủ 36 nhịp ấy 3. Chỉ biết rằng trong các buổi sinh hoạt mang tính giao lưu tình cảm thì người K'Ho thường sử dụng các bài chiêng trữ tình như "Tìng ngàn", "Tìng ching K'Ho’Kiêu đăm Tru", "Tìng Brut", "Tìng slơt"... Còn trong các buổi lễ thì họ thường dùng các bài "Rơ glùng", "Chờng gôồng", "Thôồng Wài", "Wrơ chsất", "Per dớh"...
Khi tấu chiêng (trun ching), nếu là ching droòng thì 6 nhạc công dàn thành hình vòng cung, người hơi khom, vai trái đeo chiêng, bàn tay trái giữ mặt trong chiêng, tay phải đánh chiêng ở mặt ngoài. Người tấu chiêng Me (ching me) giữ vai trò "nhạc trưởng" thường là người già (chủ nhà, chủ hộ, chủ nhóm...) có nhiều kinh nghiệm trong đánh chiêng và được mọi người tôn trọng. Trong các bài bản, ching me bao giờ cũng giữ vai trò chủ đạo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét