Cải tiến đàn bầu VN

Cây đàn bầu truyền thống VN có nét độc đáo là toàn bộ âm thanh được tạo ra bằng những bồi âm và đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán thính giả trên thế giới. Tuy nhiên, do cấu tạo của đàn, âm thanh do đàn bầu tạo ra rất nhỏ và không cân bằng về âm lượng khi hòa tấu cùng các nhạc cụ dân tộc khác.
Để có thể trình tấu được các tác phẩm, các dòng nhạc khác nhau của các nước cũng như của âm nhạc VN hiện đại, từng có nhiều nghệ nhân dành thời gian và tâm huyết cải tiến nhạc cụ này. Quá trình cải tiến trước đây đã có những thành công và cả những bất ổn. Đáng lưu ý của sự bất ổn chính là âm sắc của cây đàn bầu ít nhiều bị biến dạng.
Để trả lại âm sắc đích thực của đàn bầu, mặt khác để có thể sánh vai với các nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gẩy trong biên chế dàn nhạc dân tộc như đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn tam, đàn tứ mà không cần yếu tố khuếch đại điện tử, hai nghệ sĩ Nguyễn Thế Viên - chuyên viên nghiên cứu, sưu tầm âm nhạc dân tộc - và nghệ nhân Tạ Văn Khải - chuyên viên cải tiến nhạc cụ dân tộc thuộc Trung tâm Văn hóa TP.HCM - đã bắt tay thực hiện việc cải tiến đàn bầu một cách toàn diện hơn: tạo thêm hộp cộng hưởng và thêm ngựa đàn để truyền dẫn âm thanh vào hộp cộng hưởng.
Công trình đã được nghiệm thu hồi cuối tháng 7 qua tại Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, với Hội đồng khoa học gồm nhiều giáo sư, nhạc sĩ có tên tuổi, do Giáo sư-nhạc sĩ Ca Lê Thuần làm Chủ tịch. Hội đồng đánh giá: cây đàn bầu được cải tiến lần này đạt được những tiêu chí đáng ngạc nhiên mà vẫn giữ được âm sắc độc đáo, dân tộc và hiện đại.
Theo đánh giá của nhạc sĩ Ca Lê Thuần, công trình đã không điện tử hóa, giữ được âm sắc của đàn bầu và tạo độ vang lớn hơn cho âm thanh của cây đàn. Ông Huỳnh Khải, trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.HCM và là thành viên trong Hội đồng khoa học, cũng cho rằng đàn bầu cải tiến có âm vang xa và ít tạp âm.
Vậy là sau việc chế tạo thành công đàn đá Khánh Sơn, tham gia sáng tạo Đàn Trầm Phương Nam (cùng nghệ sĩ Kim Quang), nay nghệ sĩ Thế Viên cùng nghệ nhân Tạ Văn Khải lại có thành công mới: cải tiến đàn bầu, làm phong phú thêm và phát huy hiệu quả cao hơn của nhạc cụ dân tộc VN. Với thành công mới này, chắc chắn cây đàn bầu cải tiến sẽ góp phần rất đáng kể trong diễn tấu các bài bản âm nhạc dân tộc và quốc tế.
Theo TTXVN, SGGP, Khoa học phổ thông

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

More

Whats Hot