Âm nhạc dân tộc, nền Quốc nhạc Việt Nam?

Những nhà văn hóa đã đưa ra những khái niệm “quốc hoa”, “quốc tửu”… tại sao chúng ta, những người làm âm nhạc lại không thể bàn đến nền “quốc nhạc Việt Nam”. Đã nhiều lần chúng ta được biết đến cách tiếp đón các nguyên thủ quốc gia của một số nước theo phong cách truyền thống. Hàn Quốc, Mông cổ,  Malaisia, Brunay… là những quốc gia châu Á có cách đón tiếp nguyên thủ các nước đến thăm bằng dàn nhạc dân tộc cổ truyền chứ không bằng dàn nhạc giao hưởng hay dàn kèn đồng quân đội (Fanfare de cuivres). Không kể một số nước khác có chế độ quân chủ lập hiến lại đón tiếp khách quốc tế bằng dàn nhạc cung đình cổ truyền…
Bảo tồn vốn di sản âm nhạc dân tộc cổ truyền không chỉ vì nền âm nhạc nước nhà mà còn mang ý nghĩa và tác dụng lớn hơn. Âm nhạc được sáng tạo với đầy đủ chức năng, vai trò của một sản phẩn văn hóa – xã hội, do đó, nó thể hiện cấu trúc văn hóa – xã hội mà nó được sinh ra. Người xưa nói “Thẩm nhạc vi tri chính” (thẩm định – nghe âm nhạc có thể biết được chính trị)[1]. Một nền âm nhạc mất gốc, lai căng không chỉ tạo tiền đề xấu cho bản thân nền âm nhạc mà còn tác động đến văn hóa, xã hội, đến nền chính trị của nước đó theo quan niệm của người xưa.
Nếu chưa có thể bàn đến chuyện lớn như việc định hình một nền “quốc nhạc” hoặc việc đánh giá những thay đổi văn hóa – xã hội theo chiều hướng tiêu cực mà có sự góp phần của các loại sản phẩm âm nhạc xấu… chúng ta nên bắt đầu  nói đến những việc nhỏ mà Hội, những người làm âm nhạc có thể làm, vì nền âm nhạc dân tộc:
- Hãy có những chủ trương, đầu tư, khuyến khích cho việc sưu tầm, nghiên cứu và phục hồi vốn âm nhạc cổ truyền, âm nhạc dân tộc. Tiếp đó là công tác bảo tồn, “bảo tồn sống” trong đào tạo, trong biểu diễn, trong phổ cập học đường…
- Đài truyền hình, đài phát thanh, hệ thống truyền thông đại chúng sẽ là những phương tiện hữu hiệu để đưa âm nhạc dân tộc, truyền thống trở lại với công chúng.
- Hãy thay đàn orgue bằng các nhạc cụ dân tộc trong đào tạo giáo viên âm nhạc tại các trường Phổ thông, trong giảng dạy cho các em và trong các hoạt động cộng đồng khác.
Tóm lại, thay cho những toan tính vĩ mô, nền âm nhạc dân tộc cần được sự quan tâm trước nhất bằng những điều nhỏ nhất. Tuy nhiên, không còn sớm nữa cho những người làm âm nhạc, chúng ta có quyền và hãy nghĩ đến một nền âm nhạc dân tộc truyền thống - “nền quốc nhạc Việt Nam”. Tại sao không?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

More

Whats Hot