Đàn bầu là một trong những nhạc cụ gắn liền với nền âm nhạc dân gian Việt. Tìm hiểu về đàn bầu sẽ khiến chúng ta yêu văn hóa Việt hơn
Đàn bầu có hai loại là đàn làm bằng tre và đàn làm bằng gỗ.
Đàn tre : Thân đàn được làm bằng ống tre, bương hoặc vầu, dài khoảng trên dưới 1 m, đường kính khoảng 12 cm.
Đàn gỗ : Thân đàn được làm bằng gỗ, có thể để trơn hay khảm trai. Đàn có nhiều hình dáng, kiểu cỡ khác nhau nhưng phổ biến nhất là loại đàn có thân thuôn dài, phía đầu đàn nhỏ hơn phía đuôi đàn. Chiều dài khoảng từ 0,95 cm – 1,10 cm, cao từ 13 cm – 15 cm, bề rộng mặt đàn từ 10cm – 12cm. Hai đầu bịt kín, bụng đàn khoét lỗ để âm thanh thoát ra được dễ dàng hơn và không phẳng sát với đất mà được nâng lên bởi phần đuôi đàn (gót đàn), cách mặt đất chừng 2cm. Mặt đàn mỏng khoảng 4mm thường được làm bằng gỗ ngô đồng, gỗ vông. Thành đàn thường được làm bằng các loại gỗ tốt như gỗ trắc, gỗ gụ, gỗ lát.
Về hình dáng, chất liệu của hộp cộng hưởng (tức thân đàn) của hai loại đàn có khác nhau nhưng về nguyên tắc cấu tạo thì giống nhau.
Dây đàn của cả đàn tre và đàn gỗ có chiều dài chạy suốt thân đàn. Ngày xưa dây được làm bằng dây móc, dây tơ tằm se thành sợi, về sau thay bằng dây sắt.
Cần đàn hay còn gọi là vòi đàn ngày xưa làm bằng tre nay được làm bằng sừng trâu.
Bầu đàn làm bằng vỏ quả bầu nậm khô (phía đằng cuống) sau thay bằng gỗ tiện giống hình quả bầu nậm.
Trục lên dây làm bằng tre (ở đàn tre hoặc vầu, bương) hoặc bằng gỗ (ở đàn gỗ), trục lên dây đặt ở phần hông đàn áp vào phía người ngồi chơi đàn.
Cách diễn tấu không giống với bất cứ cây đàn nào khác là được gẩy bồi âm và dùng cần đàn để căng dây lên hoặc chùng dây xuống mà tạo ra nhiều âm thanh với các cao độ khác nhau.
Que gẩy đàn : Que gẩy đàn là một bộ phận quan trọng trong diễn tấu đàn bầu. Hiện nay việc sử dụng que gẩy có kích thước ngắn đã tạo nhiều thuận lợi cho kỹ thuật diễn tấu đang được phổ biến tại nhiều cơ sở giảng dậy cũng như các đoàn biểu diễn. Que được vót bằng một đoạn ngắn của giang hoặc song với chiều dài 4,5 cm, thân bẹt dầy khoảng 5 mm, một đầu vót nhọn và được làm bông lên. Chính đầu bông xơ này đã tạo cho tiếng đàn ấm hơn.
Cách mắc dây đàn : Dây đàn bầu được thửa riêng, bằng sắt, cỡ 40 (0,4 – 0,45 mm), một đầu được mắc vào vòi đàn theo những bước như sau
- Lấy khoảng 3,5 cm đầu dây cuộn lại thành một vòng tròn sao cho đầu chót của dây thừa ra khoảng 1,5 cm.
- Vắt đoạn dây thừa qua vòng tròn như cách buộc dây bình thường, dùng tay bẻ gập lại để định hình (tạo thành một vòng thòng lọng).
- Tay trái cầm vòi đàn (vòi rời khỏi đàn), tay phải cầm bầu đàn và đầu dây có thòng lọng. Tra đầu trên của vòi đàn vào lỗ dưới của bầu đàn trước, sau đó đưa đầu dây có thòng lọng mắc vào vòi đàn, rồi xỏ nốt vòi đàn qua lỗ trên của bầu.
- Ấn cả bầu và dây đã mắc xuống sát gốc vòi, siết chặt dây sao cho dây đàn nằm chắc ở chính giữa phần loa của bầu đàn.
- Còn đầu kia của dây đàn được xỏ qua lỗ thủng sau ngựa đàn, sau đó lật ngược đàn lên xỏ tiếp dây qua lỗ trục khoá dây.
Cách lên dây đàn : Đàn bầu được lên dây bằng khoá sắt ở cuối thân đàn. Vặn khoá lên sao cho độ cao của âm thực (âm được bật trực tiếp vào dây) cao bằng nốt đô của quãng tám nhỏ (so với thanh mẫu hoặc dựa vào các cây đàn đã được định âm sẵn để lên dây). Với kích thước của đàn bầu được sản xuất ở các xưởng nhạc cụ như hiện nay thì việc lên dây đàn theo cao độ trên là chuẩn xác về âm sắc và độ vang, thuận lợi cho việc diễn tấu.
Các tư thế diễn tấu : Có 3 tư thế chính
1. Tư thế ngồi với giá đàn : Ngồi thẳng, tư thế thoải mái. Điểm giữa của ngực người ngồi đánh đàn phải thẳng góc với điểm giữa của hai thế tay (I và II).
2. Tư thế đứng với giá đàn : Nhìn chung, tư thế này giống với kiểu ngồi diễn tấu, chỉ khác là đứng, không cần ngế ngồi để diễn tấu đàn. Đây là tư thế thuận lợi cho việc di chuyển, linh hoạt khi ra hoặc vào sân khấu biểu
Cách cầm que gẩy : Que đàn được nằm trên đốt thứ nhất của hai ngón trỏ và giữa. Đốt thứ nhất ngón cái đặt trên mặt đối diện của que vào vị trí giữa của hai ngón kia, sao cho phần đầu bông xơ quay vào phía ngực người diễn tấu và nhô ra khỏi ngón giữa 1,5 cm. Ngón áp út và ngón út được khum theo hai ngón trỏ và giữa. Cổ tay thả lỏng, bật que bằng ngón giữa và ngón áp út. Cần chú ý bước đầu tập gẩy không nên bật que bằng cả cổ tay sẽ gây khó khăn khi chơi ndiễn.
3. Tư thế ngồi chiếu gẩy đàn : Đây là tư thế chơi đàn cổ truyền, phù hợp cho việc độc tấu hoặc đệm cho các bản đàn hay các bài ca cổ. Điều khác biệt là trong khi ngồi xếp bằng để tấu đàn thì đầu gối chân phải cần ghếch lên tì vào cạnh mặt đàn khỏi xê dịch. Tư thế này không cần ghế ngồi lẫn giá đàn.
Kỹ thuật tay phải – Cách tạo âm thanh
hững bản nhạc có tấc độ nhanh.
Khi gẩy, đặt tay vào dây theo tư thế sao cho que đàn nằm song song với mặt đàn (ở vị trí này, tiếng đàn trầm và ấm. Ngược lại, que gẩy càng chếch với mặt đàn thì âm thanh nghe đanh và cứng hơn). Trước tiên, ta đặt điểm giữa của cạnh bàn tay phải vào chính giữa điểm gút âm bội, dùng ngón tay bật que gẩy, để cho đầu bông của que gẩy chỉ vượt qua dây khoảng 3 mm (quá sâu, tiếng đàn sẽ thô và xấu). Cùng lúc đó, ta nhấc cả cạnh tay chạm ở điểm gút lên. Như vậy ta đã tạo được một âm bội tự nhiên trên sợi dây đàn.
Cách xác định điểm nút chạm gút âm bội và điểm gẩy nút 6 thế tay trên sợi dây đàn
- Thế tay I : Chia đôi sợi dây (từ điểm mắc dây vào vòi đàn đến điểm dây chạm trên ngựa đàn), điểm giữa của đoạn dây này chính là điểm chạm gút âm bội I. Sau khi tì cạnh bàn tay phải lên điểm gút này, dùng que gẩy dây (đã nói ở trên), rồi đối chiếu điểm đầu que chạm trên dây thẳng góc xuống mặt đàn và đánh dấu bằng ký hiệu chấm tròn trên mặt đàn. Đó là thế tay I (như vậy một thế tay sẽ bao gồm cả điểm chạm gút và điểm gẩy của đầu que vào dây). Khi tạo được âm thanh ở thế tay I, sẽ có một âm với cao độ Đô1, cao hơn âm thực dây buông một quãng tám.
- Thế tay II : Cũng tương tự như trên nhưng có khác đôi chút là điểm chạm gút âm bội 2 vào đúng chỗ chia 1/3 sợi dây đàn (theo chiều từ vòi đàn đến ngựa đàn). Thế tay II cho chúng ta âm bồi có cao độ sol1 (sol ở quãng tám thứ nhất)
- Thế tay III : Điểm chạm gút âm bồi vào điểm 1/4 sợi dây có cao độ Đô 2 (đô ở quãng tám thứ hai, cao hơn đô ở thế tay I một quãng tám)
- Thế tay IV : Chia 1/5 sợi dây, có cao độ Mi2 (mi ở quãng tám thứ hai)
- Thế tay V : Chia 1/6 sợi dây, có cao độ Sol2 (sol ở quãng tám thứ hai), cao hơn Sol ở thế tay II một quãng tám)
- Thế tay VI : Chia 1/8 sợi dây, có cao độ Đô3 (đô ở quãng tám thứ ba, cao hơn đô ở thế tay I hai quãng tám và đô ở thế tay III một quãng tám)
Như đã trình bày chi tiết ở phần xác định thế tay I, sau khi đã xác định được điểm chạm gút âm bội, chúng ta sẽ xác định được điểm gẩy xuống mặt đàn. Cần lưu ý là : trên một dây đàn, điểm chạm gút âm bội luôn luôn cố định theo nguyên tắc chia dây như trên, còn điểm gẩy lại thường khác nhau, bởi khoảng cách từ điểm cạnh bàn tay phải chạm điểm gút đầu que gẩy của từng người không bằng nhau (do bàn tay của mỗi người dài ngắn không giống nhau). Đó là lý do chúng tôi cần trình bày cặn kẽ cách tìm 6 thế tay để mỗi nhạc công có thể tự tìm được điểm gẩy và tự đánh dấu điểm đó xuống mặt đàn của mình.
Kỹ thuật tay trái – Cách cầm vòi đàn
Cùng với động tác gẩy tạo âm của tay phải, tay trái điều khiển vòi đàn để căng lên hoặc chùng xuống sợi dây duy nhất, tạo ra những cao độ khác nhau, đồng thời cũng thể hiện các ngón kỹ thuật như : rung, luyến, láy, vỗ, chạm, giật, chùng … đã tạo nên phần hồn trong diễn tấu đàn Bầu. Bởi vậy, nhiệm vụ của tay trái khi sử dụng vòi đàn sẽ nặng và đa dạng, cần được tập luyện công phu.
Tư thế cầm vòi được thực hiện như sau : Tay đặt tự nhiên vào giữa vòi đàn, sao cho bên phải vòi là ngón cái và bên trái vòi là bốn ngón còn lại. Bốn ngón này hơi khum lại tự nhiên để cho vòi đàn áp vào đốt giữa của ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út, còn ngón út thả lỏng tự nhiên. Đồng thời vòi đàn cũng áp vào đốt thứ nhất của ngón cái (ở phía ngược lại với bốn ngón kia). Đây chính là tư thế cầm vòi trong dây buông.
Ngón rung
Ngón rung là ngón không thể thiếu, có tác dụng làm tiếng đàn mềm mại, nhằm diễn đạt tình cảm và thể hiện các phong cách, các làn điệu khác nhau. Ngón rung giúp người nghe phân biệt rõ các hơi trong nhạc phong cách (ví dụ như hơi ai, hơi oán, hơi bắc, hơi nam).
Rung dây buông : Khi gẩy âm dây buông, ta dùng hai ngón cái và ngón trỏ lay liên tục vòi đàn với biên độ hẹp, tạo nên tiếng rung ở 6 âm dây buông.
Rung khi căng dây đàn (rung khi nhấn lên) : Ngón cái ấn vào đầu vòi đàn để căng dây lên đến cao độ đã định, đồng thời rung nhẹ vòi tạo nên hiệu quả rung làn sóng của cao độ đó. Cần chú ý vẫn phải giữ chuẩn cao độ của âm thanh được rung.
Rung khi chùng dây đàn (rung khi nhấn xuống) : đốt giữa ngón tay trỏ ấn vào vòi đàn để chùng dây xuống cao độ đã định, đồng thời lay nhẹ vòi đàn tạo nên hiệu quả rung làn sóng ở cao độ đó. Cần chú ý vẫn phải giữ chuẩn cao độ của âm thanh được rung.
Ngón láy
Ngón láy là một kỹ thuật dùng ngón cái và ngón trỏ liên tiếp làm căng hoặc chùng dây. Nó thường được thực hiện trong vòng hai âm liền bậc làm âm thanh ngân lên thành làn sóng, nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào yêu cầu của bản nhạc. Ngón láy được dùng nhiều trong các bản nhạc cổ truyền.
Ngón vỗ
Vỗ là kỹ thuật dùng tay trái đập nhẹ, nhanh và dứt khoát vào vòi đàn, làm âm thanh phát ra đứt đoạn, nghe như những tiếng nấc. Có thể vỗ vài ba lượt trên một âm, thường là những âm ngân dài để diễn tả tình cảm đau khổ, uất ức, nghẹn ngào
1. Vỗ ở các âm dây buông
- Với các âm hình có âm thêu ở trên, ta dùng ngón cái vỗ nhẹ vào vòi đàn.
- Khi có âm thêu ở dưới, ta dùng ngón trỏ vỗ thay vì ngón cái.
2. Vỗ ở các âm trong thế căng và chùng dây
- Trong các trường hợp này, người diễn tấu phải dùng ba ngón (ngón giữa, áp út và ngón út) quặp vào vòi đàn để tạo ra lực căng hoặc chùng dây, nhằm giải phóng ngón trỏ (khi các âm thêu thấp hơn âm chính).
- Gẩy từ thế tay II cùng lúc ba ngón quặp vào vòi đàn căng dây lên 1 cung, được nốt La1, sau đó dùng ngón cái dập vào vòi để tạo nên hiệu quả (hoặc dùng ba ngón chùng dây xuống 1 cung từ thế tay II và dùng ngón trỏ dập nhẹ vào vòi, tạo ra hiệu quả).
Ngón vuốt
Ngón vuốt được dùng thường xuyên trong diễn tấu đàn Bầu, đặc biệt là khi thể hiện các giai điệu phương Đông. Khi vuốt lên hoặc vuốt xuống, vẫn dùng ngón cái và ngón trỏ để căng hoặc chùng dây bình thường. Chỉ khác là phải vừa kết hợp căng và chùng dây, vừa miết ngón vào vòi để cao độ được trượt qua tất cả các âm và dừng lại ở âm quy định trên bản nhạc. Ngón vuốt được ký hiệu là một đường gợn sóng từ âm gốc tới âm ngọn.
Ngón giật
Ngón giật gây ấn tượng đau xót, uất ức. Ký hiệu để chỉ nốt giật là một vạch thẳng nối từ nốt chính sang nốt phụ. Khi căng hoặc chùng vừa đến cao độ của nốt phụ thì chặn dây lại ngay.
Ngón tạo tiếng chuông
Khi gẩy mạnh đến các điểm giữa của các thế tay và kết hợp rung vòi đàn sẽ tạo được những chồng âm hỗn hợp giống như tiếng chuông nhà thờ. Kỹ thuật tạo tiếng chuông thường được dùng trong phần cadenza (trổ ngón).
Thủ pháp tạo tiếng chuông hãn hữu mới được sử dụng trong các sáng tác mới (thường trong phần cadenza).
Ngón gẩy âm thực
Gẩy âm thực là gẩy âm tự nhiên, que được gẩy theo chiều ngược, tức là gẩy ra (V). Khi gẩy không sử dụng điểm chạm gút như ở gẩy âm bồi. Như vậy, âm vang lên là âm thực của toàn bộ sợi dây đàn. Tiếng âm thực nghe đục và trầm hơn âm bồi một quãng tám (so với âm bồi ở thế tay I) và một quãng mười hai (quãng năm qua một quãng tám) khi gẩy ở thế tay II.
Trong số ít các bản nhạc viết cho đàn bầu, người sáng tác thường dùng xen kẽ giữa các âm bồi và âm thực trong một đoạn nhạc đặc tả nhằm gây màu sắc lạ. Âm thực thường được dùng chữ T để ký hiệu và cao độ của chúng bao giờ cũng thấp hơn nốt ghi trên bản nhạc một quãng tám.
Ngón bật âm thực
Ngón bật âm thực giống như gẩy âm thực. Điều khác biệt là dùng ngón cái bật trực tiếp vào dây đàn thay cho que gẩy. Vì đầu ngón cái có bề dầy hơn đầu que gẩy, đồng thời do thịt mềm nên tiếng bật sẽ tạo được âm sắc ấm và mềm mại hơn gẩy âm thực, nhưng kém về độ nhanh và sự linh hoạt.
Khi đang gẩy bình thường, nếu muốn chuyển sang bật âm thực, thì các ngón khác của bàn tay phải cần nhanh chóng quặp lại để giữ được que gẩy, giải phóng ngón cái để bật vào dây đàn. Bật âm thực được dùng ký hiệu BT và hiệu quả cũng thấp xuống một quãng tám so với nốt được viết trên dòng nhạc.
Ngón vê
Khi đang gẩy chuyển sang ngón vê phải chuyển thế cầm que gẩy từ ba ngón sang hai ngón cái và ngón trỏ. Sau đó úp bàn tay xuống dây đàn sao cho điểm cạnh bàn tay phải (ngay sát cổ tay) chạm vào dây ở điểm gút. Sau đó bật liên tục đầu que đàn vào điểm gẩy của dây với tốc độ thật nhanh và biên độ hẹp. Kết quả sẽ tạo nên hiệu quả vê như ở các nhạc cụ gẩy. Chỉ khác là ở đàn bầu thường vê âm bồi chứ không vê âm thực như các nhạc cụ gẩy khác.
Đây là kỹ thuật rất khó trong diễn tấu, cần phải dầy công luyện tập mới đạt kết quả.
Nốt vê được dùng ký hiệu hai vạch chéo trên nốt nhạc. Các nốt vê ở đàn bầu thường được thực hiện ở một thế tay, ít khi chuyển sang thế tay khác.
Ngón tạo âm bội lần thứ hai
Trước tiên gẩy dây buông ở thế tay I (âm sẽ vang lên là Đô1), sau đó đưa tay phải lên vị trí thế tay II (nếu gẩy tiếp sẽ được nốt Sol1), nhưng không gẩy mà chỉ chạm nhẹ điểm gút vào dây (vẫn là điểm ở cạnh bàn tay phải) rồi nhấc tay lên ngay. Kết quả sẽ được một âm trong trẻo và không có tiếng que gẩy. Đó là âm bội lần thứ hai có cao độ là Sol2 (cao hơn âm gốc thế tay II một quãng 8 đúng).
Vị trí Ðàn Bầu trong các Dàn nhạc
Người Việt thường sử dụng Ðàn Bầu để độc tấu, đệm cho ngâm thơ, tham gia trong Ban nhạc Tài Tử, Ban nhạc Xẩm. Từ những năm 60 trở lại đây Ðàn Bầu có mặt trong Dàn nhạc Dân tộc Tổng hợp, Dàn nhạc Giao hưởng Dân tộc, Dàn nhạc Sân khấu Chèo, Cải Lương. Ðặc biệt đã có những tác phẩm viết cho Ðàn Bầu độc tấu có dàn nhạc đệm, độc tấu cùng Dàn nhạc Giao hưởng (Ví dụ : bản giao hưởng thơ của nhạc sĩ Nguyễn Xinh, Uvertuya của nhạc sĩ Trọng Bằng).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét